THẤU HIỂU VÀ SẺ CHIA

Sự kiện “Doanh nghiệp vì công nhân - Công nhân vì doanh nghiệp” do LĐLĐ TP. Vinh tổ chức là một sự kiện đặc biệt. Bởi, đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức trên địa bàn tỉnh, cũng là lần đầu tiên LĐLĐ TP. Vinh đảm nhận khâu tổ chức. Rất nhiều bỡ ngỡ, rất nhiều lúng túng, nhưng sau cùng, thành công ngoài mong đợi của chương trình đã khiến nụ cười hạnh phúc đọng lại mãi trên gương mặt những người tham gia.

bna_image_2609784_952022.jpgChương trình "Doanh nghiệp vì công nhân - Công nhân vì doanh nghiệp" do LĐLĐ TP. Vinh tổ chức để lại nhiều cảm xúc tốt đẹp. Ảnh: Diệp Thanh

Sự kiện có sự tham gia của 180 đoàn viên, người lao động từ 4 công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ TP. Vinh. Được tổ chức kết hợp lễ phát động Tháng Công nhân năm 2022, chương trình có cả những tiết mục văn nghệ, trao quà, bốc thăm may mắn đầy sôi nổi. Đối lập với sự sôi nổi đó, khi diễn đàn “Doanh nghiệp vì công nhân - Công nhân vì doanh nghiệp” chính thức bắt đầu, không gian như lắng đọng, thời gian như chậm lại.

Rất nhiều câu hỏi thẳng thắn được đặt ra cho bà Đỗ Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty CP Green GMC, ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Thái Lê Cường - Chủ tịch LĐLĐ TP. Vinh và cả đại diện công nhân lao động - chị Trần Thị Huệ. Không chỉ xoay quanh khó khăn của doanh nghiệp, vất vả của người lao động, những giải pháp của cơ quan chức năng và đoàn thể… Diễn đàn còn đề cập đến kỳ vọng, mong muốn, những điều chưa hài lòng… từ phía lao động và doanh nghiệp.

Thấu hiểu khó khăn, tình cảm của chủ doanh nghiệp, công nhân Nguyễn Đình Vĩnh chia sẻ rằng, anh muốn đồng hành giúp công ty vượt qua khó khăn và gắn bó với công ty lâu dài. Ảnh: Diệp Thanh

Tại diễn đàn này, rất nhiều lao động nhận ra mình đã không hiểu hết vất vả của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cũng không giấu nổi xúc động trước những khó khăn, thiếu thốn từ phía công nhân. Một cách rất tự nhiên, cảm xúc cứ thế đẩy cao lên theo những chia sẻ và “hồn nhiên” vỡ òa, nằm ngoài cả kịch bản. Đó là khi một công nhân gắn bó 4 năm với doanh nghiệp đứng lên, khẳng định rằng mình sẽ gắn bó với Green GMC mãi mãi, sẵn sàng đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp. Là khi bà Đỗ Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty CP Green GMC nén những giọt nước mắt chực trào, chia sẻ về nỗ lực để xây dựng một ngôi trường dành riêng cho con công nhân trong công ty, ngay gần nhà máy. Ở ngôi trường đó, con công nhân nhất định phải được học tiếng Anh để nắm giữ chìa khóa hội nhập của tương lai. 

Dự kiến chương trình sẽ kết thúc sớm nhưng những khoảnh khắc xúc động đó đã giữ chân mọi người. Cả khi chương trình đã xong, một số người vội vã về cơm nước cho gia đình, một số công nhân Công ty Green vẫn nán lại, lên sân khấu chụp ảnh chung với lãnh đạo công ty.

Tham dự đến phút cuối cùng của chương trình, anh Ngọc Anh (công nhân Công ty Hạ tầng đô thị Vinh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia sự kiện này và dù nhiều nội dung trong phần đối thoại với công nhân - doanh nghiệp không liên quan đến chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn quyết định ở lại. Tôi mong tổ chức công đoàn và doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều chương trình như vậy, để công nhân chúng tôi có diễn đàn để bộc bạch, để mối quan hệ lao động ngày càng gắn kết”.

Chương trình đối thoại giữa Ban quản lý KKT Đông Nam và công nhân lao động diễn ra nhanh gọn nhưng hiệu quả. Ảnh: Diệp Thanh

Nếu thành công của diễn đàn “Doanh nghiệp vì người lao động - người lao động vì doanh nghiệp” là cảm xúc thì thành công của chương trình đối thoại với công nhân của Công đoàn KKT Đông Nam lại là những kiến nghị và giải đáp. Những tràng pháo tay nằm ngoài dự kiến của ban tổ chức đã nói lên điều này. Đó là khi đại diện cơ quan chức năng cam kết đồng hành hỗ trợ người lao động bằng một mốc thời gian cụ thể, là một phát biểu rành mạch rõ ràng, là những trăn trở được trình hết sức thuyết phục, là sự dạn dĩ, thẳng thắn của công nhân lao động… Để có được những khoảnh khắc đó, đội ngũ những cán bộ công đoàn Nghệ An đã dành rất nhiều tâm huyết.

NHỮNG ÁO XANH PHÍA SAU CHƯƠNG TRÌNH

Không phải trong năm nay, từ năm ngoái, Công đoàn KKT Đông Nam đã nắm được danh sách những kiến nghị, đề xuất của người lao động đối với cơ quan chức năng.

Chị Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam cho biết: “Để chuẩn bị cho chương trình đối thoại giữa công nhân lao động và UBND tỉnh, chúng tôi đã khảo sát, thu thập các ý kiến công nhân từ nhà trọ một cách vô cùng kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vì dịch bệnh nên chương trình đối thoại này chưa thể tổ chức. Đến thời điểm này có thể khẳng định, chúng tôi đã nắm được hết những ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động”.

Cán bộ công đoàn LĐLĐ tỉnh và KKT Đông Nam nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân lao động khu nhà trọ. Ảnh: Hoàng Yến

Chuẩn bị cho chương trình đối thoại năm nay, Công đoàn KKT Đông Nam đã tổ chức khảo sát qua nhiều kênh, vừa ở các khu nhà trọ, vừa ở các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Mối quan hệ thân thiết, gần gũi, tin tưởng giữa cán bộ công đoàn và người lao động là điều kiện tiên quyết để có thể việc khảo sát thực chất, hiệu quả. “Công nhân, người lao động mặc cảm mình là đối tượng yếu thế và thường rất rụt rè đề xuất các ý kiến, chia sẻ tâm tư. Chính vì thế, chúng tôi không thể chỉ đi một lần để thu thập các ý kiến mà cần phải đi nhiều lần, thăm hỏi kể cả khi không có các chương trình hay sự kiện, có như vậy mới xây dựng được niềm tin, thân thiết với người lao động, họ mới cởi mở chia sẻ, mạnh dạn đề xuất” - chị Nguyễn Hoàng Yến, cán bộ Công đoàn KKT Đông Nam cho biết.

Không khó để nhìn ra sự tận tâm, trách nhiệm này. Hầu hết những chủ nhà trọ có đông công nhân lao động tại KCN Bắc Vinh và KCN Nam Cấm đều thuộc tên, nhớ mặt, lưu số điện thoại những cán bộ công đoàn KKT Đông Nam. Họ có thể không biết công việc cụ thể của những cán bộ công đoàn, nhưng họ biết, những cán bộ áo xanh cô ban đó luôn mang đến cảm giác thân tình, luôn lắng nghe và chia sẻ.

Cán bộ công đoàn LĐLĐ TP. Vinh đã lấy ý kiến khảo sát của người lao động bằng nhiều cách. Trong ảnh, một công nhân được hướng dẫn thực hiện khảo sát trực tuyến bằng mã QR. Ảnh: Diệp Thanh

Tương tự, khi thu thập kiến nghị của công nhân lao động, những cán bộ công đoàn KKT Đông Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã phát phiếu và gửi mã QR để trả lời khảo sát ẩn danh nhưng những ngày đầu chuẩn bị, không một ý kiến nào được thu về. “Phần vì công nhân lạ và ngại, phần vì họ đã cảm thấy hài lòng với chế độ của công ty. Phải đến công đoàn cơ sở quán triệt về các tổ thì công nhân mới hoàn thành khảo sát”, anh Đặng Hoài Nam - cán bộ Công đoàn LĐLĐ TP.Vinh giải thích.

Cán bộ công đoàn KKT Đông Nam phát phiếu khảo sát cho công nhân tham dự đối thoại. Ảnh: Diệp Thanh
Đóng vai trò chính trong xây dựng chương trình, anh Hoài Nam chia sẻ thêm: “Để có được kịch bản cuối cùng, chúng tôi đã trải qua nhiều lần thay đổi, nhờ LĐLĐ tỉnh góp ý, phê duyệt. Mục đích cuối cùng là chương trình vừa phải gọn gàng, hợp lý, đầy đủ nội dung, vừa phải đáp ứng yêu cầu về mục đích. Ngoài những yêu cầu trên, điều chúng tôi tâm đắc nhất về chương trình chính là sự chân thực, khách quan, từ thông tin phiếu khảo sát đến những câu trả lời của các khách mời, từ tình hình doanh nghiệp đến tồn tại, hạn chế của các bên tham gia”, anh Đặng Hoài Nam chia sẻ.

Từ đầu tháng 4 đến nay, các cấp Công đoàn Nghệ An đang ráo riết triển khai các chương trình đối thoại để chuẩn bị cho sự kiện đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh và công nhân diễn ra vào ngày 22/5 tới đây. Theo đó, rất nhiều ý kiến, kiến nghị của người lao động trên toàn tỉnh đã được thu thập.