(Baonghean) - Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ thường niên lần thứ 8 và Tham vấn cấp cao về trao đổi nhân dân lần thứ 7 đang diễn ra tại Bắc Kinh thu hút sự quan tâm của bên ngoài nhiều hơn thường lệ. Sự gia tăng bất đồng trong một loạt vấn đề thời gian qua khiến dư luận tò mò muốn biết 2 cường quốc sẽ biểu hiện ra sao tại sự kiện song phương quan trọng này.

resize_images1574068_1024x1024.jpgỦy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng John Kerry chủ trì cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung- Mỹ 2016. Ảnh: Manila Bulletin.

Tìm kiếm lòng tin

Diễn đàn thường niên này là cơ hội để quan chức 2 bên thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hợp tác thiết thực và giải quyết những bất đồng cũng như các vấn đề nhạy cảm khác.

Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc Đối thoại cho rằng: "Trung Quốc và Mỹ cần tăng sự tin tưởng lẫn nhau", đồng thời kêu gọi 2 nước nỗ lực gấp đôi để giải quyết các xung đột và tránh "những đánh giá sai lầm về chiến lược".

Ông Tập nêu rõ rằng 2 bên đã có thể duy trì sự tin tưởng lẫn nhau và sự hợp tác trong việc giải quyết các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Ông nhấn mạnh 2 nước cũng cùng chung các lợi ích ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau, tăng cường liên lạc, hợp tác trong các vấn đề của khu vực này.

Ông cho rằng Thái Bình Dương rộng lớn không nên trở thành đấu trường cho sự kình địch mà nên là vũ đài lớn cho sự hợp tác toàn diện. Những bất đồng giữa 2 bên khá bình thường vì vậy để tránh những rắc rối lớn cho quan hệ song phương, 2 nước nên giải quyết những bất đồng và các vấn đề nhạy cảm trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.

Quả thực, có quá nhiều vấn đề gai góc được thảo luận khiến cuộc họp này không dễ có một không khí hòa nhã. Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ phải đề cập với Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương những chủ đề vốn sẽ động tới lợi ích chiến lược của cả 2 bên.

Phát biểu trong phiên khai mạc, ngoại trưởng Kerry đã kêu gọi Trung Quốc cùng tìm ra “giải pháp ngoại giao” cho những căng thẳng leo thang ở Biển Đông và cũng hối thúc Trung Quốc nhanh chóng gây sức ép với Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ khai mạc Đối thoại. Ảnh: AP.

Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew thì không ngần ngại bày tỏ mong muốn Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép dư thừa mà ông cảnh báo là đang tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Câu chuyện thép nhập khẩu của Trung Quốc được cho là bán dưới mức giá thành sản xuất đang gây nên sự bất bình của nhiều nhà sản xuất thép ở Mỹ và châu Âu.

Ngoài ra, ông cũng cho biết Mỹ khuyến khích Trung Quốc vận dụng các chính sách tài chính và cho vay nhằm tăng nhu cầu tiêu dùng như một phần trong tiến trình chuyển đối kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Có đủ để kiểm soát bất đồng?

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay do sắp đặt mà 2 sự kiện song phương quan trọng được Trung Quốc và Mỹ được diễn ra ngay sau Hội nghị An ninh châu Á 2016 - hay được biết tới với tên gọi Diễn đàn Shangri-La tại Singapore.

Tại diễn đàn cuối tuần qua, người ta có thể dễ dàng nhận ra những căng thẳng liên quan tới tình hình Biển Đông trở thành mục tiêu được thảo luận và chỉ trích. Và Trung Quốc với vai trò của mình tại khu vực, cùng những hành động cải tạo đảo trái phép và tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông thời gian qua, nhận được nhiều sự chú ý hơn cả.

Mối quan hệ giữa hai bên được “làm nóng” tại Diễn đàn Shangri-La khi Trung Quốc tố cáo Lầu Năm Góc cố tình duy trì tâm lý Chiến tranh Lạnh khi triển khai vũ khí hiện đại tới Biển Đông. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter thì tuyên bố việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa thịnh vượng ở khu vực châu Á, và khi làm như vậy, Bắc Kinh chỉ dựng lên một bức “Vạn lý trường thành” của sự tự cô lập mà thôi.

Và vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng chủ đề Biển Đông sẽ “phủ bóng đen” lên cuộc đối thoại này, đặc biệt sau khi báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” của Hong Kong đưa tin Bắc Kinh có thể thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển này. Trước khi đến Bắc Kinh để dự Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng tỏ rõ quan điểm của mình với tuyên bố nếu Trung Quốc thiết lập một vùng ADIZ ở Biển Đông, Washington sẽ coi đó “hành động gây hấn và gây bất ổn”. Tâm lý căng thẳng có lẽ là điều dễ thấy vào lúc này.

Tranh chấp trên biển Đông và những hành động của Trung Quốc sẽ là phép thử với quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai. Ảnh: Forbes.

Nhưng sẽ là ngây thơ khi cho rằng, một sự va chạm giữa một cường quốc đứng đầu thế giới với một quốc gia mới nổi hàng đầu thế giới sẽ bùng nổ chỉ với những tuyên bố được coi là đối đầu về ngôn từ như vậy. Trạng thái bên bờ vực, hay tệ hơn là một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là không có cơ sở.

Nhưng trên thực tế đó là điều rất khó xảy ra bởi cả 2 bên có đủ động lực và “phanh hãm” để duy trì lợi ích song phương. Các nhà quan sát cho rằng quan hệ giữa 2 siêu cường Trung - Mỹ khá phức tạp, và nó bị ràng buộc bởi những lợi ích đan xen và những tính toán được - mất. Cả 2 bên đều hiểu khi 2 siêu cường đối đầu, sự va chạm sẽ gây ra tổn thất càng nặng nề cho 2 bên. Do đó, không ai muốn phải hứng chịu một hậu quả như vậy.

Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập khá tốt các cơ chế quản lý bất đồng và giải quyết khủng hoảng như 90 cuộc đối thoại cộng với 2 đường dây nóng giữa 2 Chính phủ và quân đội để bảo đảm mối quan hệ giữa 2 bên vẫn đúng hướng.

Nhưng những bất đồng hiện nay cũng đang gặm nhấm những lợi ích chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc. Và nếu không dàn xếp ổn thỏa, đó sẽ là ngòi nổ của bất cứ sự đối đầu nào trong tương lai./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN