(Baonghean) -“Ta mang ơn ngày 12 tháng 9/Máu thắm sắc cờ/Phấp phới tung bay/Gợi về thưở trước/Giục tiếp bước hôm nay/Ta hát cùng non nước…”, lời ca ấy vang lên trong những ngày Thu lịch sử đã thôi thúc chúng tôi về thăm những vùng quê cách mạng đã làm nên cao trào Xô viết “long trời lở đất” năm xưa.Về Võ Liệt (Thanh Chương) giữa những ngày này, ta như nghe vang vọng tiếng trống Xô viết năm 1930-1931, thấy lá cờ đỏ búa liềm của Đảng phấp phới bay trên nóc đình làng, gợi lại một thời oanh liệt của vùng quê nghèo khó nhưng giàu lòng yêu nước, đã đứng lên làm cách mạng chống thực dân – phong kiến. Hôm nay đây, cùng với cả nước, Võ Liệt đang chuyển mình đi lên xây dựng nông thôn mới. Từ những mảnh ruộng còn manh mún, các trục đường nội đồng, kênh mương, đất nông nghiệp đang được xã tiến hành quy hoạch làm giao thông nội đồng, chuyển đổi ruộng đất lần hai, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Đến nay, đồ án quy hoạch nông thôn mới của xã đã được UBND huyện phê duyệt. Xã đã xây dựng được 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã - ông Phan Chính Tâm phấn khởi nói: Từ một xã thuần nông, đến nay Võ Liệt đã có sự chuyển dịch kinh tế khá nhanh, hiện tỷ trọng nông lâm thủy sản chiếm 45%, dịch vụ thương mại 31%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 24%. Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh nhưng sản lượng lương thực có hạt vẫn đạt gần 5.800 tấn, chè búp tươi xấp xỉ 600 tấn, sắn đạt 2.400 tấn, xã trồng được 270 ha rừng. Chăn nuôi cũng phát triển khá với tổng đàn trâu bò xấp xỉ 2.000 con, đàn lợn 11.500 con, gia cầm 54.000 con, 65 ha ao cá… đã tạo nên một miền quê trù phú, no ấm.

Rời Võ Liệt, đi trên Quốc lộ 46 rộng thênh thang tấp nập người ngược xuôi, qua Nam Đàn đến Hưng Nguyên, chúng ta lại nhớ đến hình ảnh của những ngày cách mạng sục sôi với cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của hàng nghìn nông dân làm “dậy trời Thái Lão, chuyển rung đất Hưng Nguyên” trong cao trào Xô viết. Hưng Nguyên đang đổi mới từng ngày, bên những cánh đồng lúa trĩu hạt, những công trình thuỷ lợi mới xây là những ngôi trường cao tầng khang trang sạch đẹp. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hưng Nguyên đang xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, kinh nghiệm sản xuất, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Đây là tiền đề hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, đi vào thâm canh cao. Năm 2011, sản lượng lương thực toàn huyện đạt cao nhất từ trước đến nay với trên 64 ngàn tấn, trong đó sản lượng lúa đạt hơn 61 ngàn tấn. Nhiều xã năng suất lúa vụ xuân bình quân đạt cao, từ 68 - 72 tạ/ha như: Hưng Trung, Hưng Yên Bắc, Hưng Lĩnh, Hưng Long… Thương hiệu gạo Hưng Nguyên đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Thành phố Vinh, như gạo chất lượng cao AC5 sản xuất ở Hưng Tây; gạo Nàng Xuân, VT-NA2 sản xuất ở Hưng Đạo, Hưng Mỹ, Hưng Phú; gạo XT28 sản xuất ở Hưng Phúc, Hưng Thịnh...  Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn được huyện ban hành khá đồng bộ, đang tiếp tục phát huy hiệu quả, làm đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp phát triển.

Đổi thay trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ảnh 1

Hôm nay, bên Tượng đài Công Nông Binh tưởng niệm phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (ngã ba Bến Thuỷ - TP. Vinh) - nơi công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng hàng nghìn nông dân các vùng lân cận thị xã Vinh năm xưa rầm rộ biểu tình thị uy, phất cao cờ đỏ búa liềm, giơ cao khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố chính trị -  là công trình cầu Bến Thủy II nối đôi bờ sông Lam với chiều dài 996m đã thông xe góp phần tăng năng lực vận tải, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương đất nước. Cây cầu này còn là công trình có ý nghĩa thắt chặt thêm nghĩa tình Nghệ An - Hà Tĩnh, hai địa phương đã góp sức làm nên cao trào Xô viết.

Bến Thủy (Tp.Vinh) - nơi những công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa năm xưa vùng lên làm nên cao trào Xô Viết giờ đã trở nên hiện đại, sầm uất

Bên những di tích lịch sử Dăm Mụ Nuôi, Đình Trung (Hưng Dũng - TP. Vinh), cụ Nguyễn Khắc Hạp vẫn nhớ như in những ngày cùng nhân dân Yên Dũng Thượng tay búa, tay liềm tham gia cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Năm nay đã bước sang tuổi 99, vừa mới đón nhận Huy hiệu 75 tuổi đảng, cụ vui mừng chứng kiến những đổi thay nhanh chóng trên quê hương. Làng Đỏ năm xưa nay đã trở thành phường Hưng Dũng với những phố xá sầm uất. Người Hưng Dũng luôn tự hào quê mình, Đảng bộ mình đã góp phần làm nên ngọn lửa Xô viết năm xưa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang đó, Đảng bộ và nhân dân Hưng Dũng luôn phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhiều con đường trên quê hương Xô viết  được bê tông hóa. Ảnh: Phan văn Toàn

Đây chính là những minh chứng sinh động cho những địa phương đang phát huy hào khí cách mạng, truyền thống “đi đầu dậy trước”, nỗ lực vượt qua những khó khăn đưa quê hương Xô viết anh hùng trở thành tỉnh khá của cả nước. Đâu đó lại âm vang tiếng hát: “Nay đi trên đường 12 tháng 9/ Thấy sắc ngói hồng/Với những cây xanh/ Người người vui hát/ Ruộng đất cũng vươn nhanh/ Bao công trình xây mới/ Điện về mát lành từng dòng kênh/Vui cung đàn tuổi xanh/ Say nụ cười tuổi xanh”.

Đức Chuyên