(Baonghean) - Con đường lên xã biên giới Thanh Thủy (huyện Thanh Chương, Nghệ An) dường như được rút ngắn lại kể từ khi đường Hồ Chí Minh nối dài về quê Bác (Nam Đàn) đưa vào sử dụng. Thanh Thủy đang chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ tạo nên một diện mạo nông thôn đang phát triển.
Ông Phan Duy Trinh – Chủ tịch UBND xã, phấn khởi: “Từ khi có đường Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh nối dài về quê Bác được mở đã tạo điều kiện cho Thanh Thủy giao lưu, trao đổi hàng hóa với bên ngoài rất thuận lợi. Người dân nơi đây không còn lo sản xuất ra nông lâm sản không bán được do đường sá đi lại khó khăn như trước đây nữa. Có giao thông, đó là điều kiện căn bản giúp địa phương có được phát triển như hôm nay”.
Tận dụng tất cả diện tích đất để trồng cây nguyên liệu giấy
Nếu như cây chè là cây mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo, bình quân 4 – 5 tỷ đồng/năm, mấy năm trở lại đây phát huy lợi thế về đất rừng, đồi, núi trọc và thuận lợi về giao thông, Thanh Thủy đã tập trung khai thác diện tích đồi cao không trồng chè được để trồng cây nguyên liệu giấy với trên 1.500 héc ta, góp phần phủ kín diện tích đất trồng, đồi núi trọc của xã, tạo nguồn thu đáng kể cho người nông dân (bình quân mỗi héc ta cây nguyên liệu giấy là 30 – 40 triệu đồng/ha trong chu kỳ 5 năm).
Toàn xã có 95% hộ tham gia trồng cây nguyên liệu, nhiều hộ gia đình trước đây chưa bao giờ được nắm trong tay vài chục triệu đồng nhưng nay có cả trăm triệu đồng từ trồng cây nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Thành, ở xóm 1, chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi đông con nhưng chỉ dựa vào ít sào lúa và một số diện tích chè, đời sống quá chật vật. Có chương trình trồng cây nguyên liệu với việc hồ trợ cây giống, gia đình tôi đã huy động sức lực của cả gia đình để làm và mở rộng diện tích dần dần.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phan Đình Trạc tham quan mô hình kinh tế trang trại ở Thanh Thủy
Đến nay gia đình đã có 20 ha rừng được trồng và thu hoạch cuốn chiếu. Có tiền lại đầu tư phát triển diện tích chè lên 30 héc ta, gắn với mua sắm máy chế biến chè mi ni để chủ động trong công đoạn sao chế sản phẩm”. Ông Thành cũng chia sẻ, ở vùng này, không riêng gia đình ông mà còn có rất nhiều gia đình có tích lũy ngày càng khá lên nhờ trồng rừng, trồng chè và chăn nuôi theo mô hình trang trại, như gia đình ông Nguyễn Xuân Hiệp (xóm 1), Nguyễn Sỹ Đức (xóm 7), Nguyễn Xuân Hiền (xóm 1)…
Thanh Thủy còn chú trọng và phát triển thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn xã đã hình thành một xóm mới mang tên Thị Tứ rất sầm uất và nhộn nhịp với những nhà hàng, khách sạn; trở thành điểm dừng chân của nhiều người trên hành trình Bắc – Nam. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 17,5%; diện mạo nông thôn đang phát triển mang dáng dấp đô thị - đây là điều kiện để xã quy hoạch xây dựng trở thành đô thị loại IV trong thời gian tới.