(Baonghean) - Xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên - quê hương của liệt sỹ Phạm Hồng Thái và nhiều chí sỹ cách mạng với hơn 20 cán bộ tiền khởi nghĩa. “Quê nghèo nuôi những anh hùng”, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Hưng Nhân đang ngày càng khởi sắc…
Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng với nguồn đóng góp tại chỗ của nhân dân, xã Hưng Nhân đã đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn như: nhà cộng đồng tránh lũ, đường vào di tích nhà thờ họ Phạm, trường mầm non, 9/9 nhà văn hóa và sân chơi thể thao của xóm. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư các công trình hạ tầng là 34,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 6,1 tỷ đồng.
Chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ xã khóa XXI, đường vào trung tâm xã rợp cờ, băng rôn, biểu ngữ; những ngôi nhà tầng, nhà bằng kiên cố đang được hoàn thiện. Trên những cánh đồng, nông dân đang thu hoạch lúa vụ chiêm. Niềm vui được mùa hiển hiện trên từng gương mặt sạm đen vì nắng. Anh Nguyễn Văn Cường, xóm 4, xã Hưng Nhân đang điều khiển máy tuốt lúa tạm dừng tay, cười tươi: “Năm nay được mùa chú ạ, 3 tạ/sào. Ngô đã thu hoạch xong, giờ đến lúa, sắp tới là lạc, thu hoạch xong nhà tôi lại trồng tiếp kê, vừng và rau màu”.
Ông Bùi Huy Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Nhân, cho biết: “Thời gian qua, tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng hiệu quả lại được nâng lên, xã đã xây dựng được cánh đồng thu nhập cao ở 2 xóm, 6/8 xóm sản xuất nông nghiệp có cánh đồng thu nhập cao, 1 xóm xây dựng được 1 cánh đồng mẫu sản xuất kê; kinh tế vườn, ao, chuồng đã được nhân dân chú trọng, sản xuất các loại rau màu cho thu nhập cao, nhiều hộ đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ thì trường cho thu nhập cao như mướp, rau đậu”.
Tháng Năm về, phượng đã hồng, bằng lăng tím ngắt nơi sân trường; tiếng trống Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái như rộn rã, thúc giục hơn. Từ ngoài cổng ngôi trường chuẩn quốc gia mức độ 1 này, tiếng học sinh đọc bài, tiếng của cô giáo kể về truyền thống cách mạng quê hương của liệt sỹ Phạm Hồng Thái vang vọng. Cô giáo Dương Thi Tập, Hiệu phó nhà trường cho hay: “Trường ở địa phương đặc thù, lớp ít, học sinh không nhiều nhưng chất lượng dạy học của nhà trường nói riêng và địa phương nói chung không ngừng phát triển. 5 năm qua, xã đã có 82 em đậu đại học, 49 em đậu cao đẳng, 36 em là học sinh giỏi cấp huyện và 15 em là học sinh giỏi cấp tỉnh”.
Hưng Nhân đang bước vào thời kỳ phát triển, có nhiều bước đột phá mới - ông Phan Đình Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Nhiệm kỳ qua, xã có nhiều nỗ lực và thu được kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,8%, thu nhập bình quân đầu người 21 triệu đồng; 80% số hộ đạt gia đình văn hóa, 2/9 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa; hoàn thành 11/19 tiêu chí nông thôn mới; quốc phòng an ninh ở Hưng Nhân luôn giữ vững, địa bàn sạch về ma túy, không có điểm nóng về trật tự an toàn xã hội… Đây chính là những tiền đề rất quan trọng để thời gian tới xã khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế vùng bãi, tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 12%, giá trị sản xuất đạt 134,7 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 45 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5% và đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới vào năm 2020.
Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ xã Hưng Nhân nêu cao quyết tâm phải đổi mới, phát huy truyền thống cách mạng quê hương của liệt sỹ Phạm Hồng Thái để nỗ lực vươn lên. Trước hết là tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chăn nuôi với tư tưởng tiến công, dám nghĩ, dám làm; thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa theo chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm tích tụ đất đai, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thâm canh, đảm bảo lịch thời vụ, ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật, làm tốt công tác thủy lợi tưới tiêu; phát triển trang trại sản xuất chăn nuôi. Ý chí đổi mới của xã Hưng Nhân đang nhận được sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ khi trên địa bàn xã đã và đang có nhiều công trình được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, mở mang ngành nghề thúc đẩy dịch vụ thương mại…
Nhà thờ họ Phạm nằm giữa ngôi làng cổ kính, bao bọc bởi tre xanh, nơi đây ghi dấu tuổi thơ của liệt sỹ Phạm Hồng Thái và những hoạt động yêu nước của ông ở quê nhà. Từ đây ông đã lên đường xuất dương và có hành động dũng cảm ném bom giết tên toàn quyền Merlin ở Sa Diện, Quảng Châu, Trung Quốc. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Nhà thờ họ Phạm còn là nơi các đảng viên Chi bộ Phú Vinh, Chi bộ Nghĩa Liệt và Chi bộ Cự Thôn hội họp, in ấn và cất dấu tài liệu của Đảng. Hàng năm, kỷ niệm ngày hy sinh của Phạm Hồng Thái, các cấp chính quyền và các tổ chức quần chúng địa phương thường đến thắp hương tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương. Ngày Rằm tháng Giêng hàng năm con cháu xa gần lại về tế họ.
Ông Phạm Văn Hồng, 56 tuổi, người gọi liệt sỹ Phạm Hồng Thái là ông bác, được giao quản lý, chăm sóc di tích lịch sử Nhà thờ họ Phạm, cho biết: Noi gương cha anh, con cháu họ Phạm đã có nhiều người đỗ đạt, thành danh với nhiều nhà khoa học, nhiều nhà chính trị nổi tiếng như Phạm Thành Thư - người đã đi theo con đường cách mạng và hy sinh ở Hồng Kông trước năm 1945; luật sư Phạm Thành Vinh hoạt động ở Hội Luật gia quốc tế; Trung tướng quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Hồng Sơn; bà Phạm Thị Kim - nguyên Viện phó Viện Hán Nôm Việt Nam; Trung tá Phạm Minh Nguyệt - con trai liệt sỹ Phạm Hồng Thái… Ngày nay, con cháu dòng họ Phạm luôn nhắc nhở nhau về truyền thống tốt đẹp đó để không ngừng học tập, phát triển, đi lên...
Tự hào là vùng quê cách mạng, tiếp bước truyền thống cha anh, Hưng Nhân đang ngày càng khởi sắc, vươn lên giàu mạnh...
Thanh Sơn