(Baonghean.vn) - Trong cuộc “Chiến tranh phá hoại”, dân quânxứ Nghệ đã hạ gục uy thế không lực Hoa Kỳ bằng những phát súng bộ binh, gây chấn động dư luận thế giới,mở đầu mộtphong tràotrên toàn miền Bắc.

Về nơi làm chấn động dư luận thế giới

Trong sách “Lịch sử xã Diễn Hùng” – xã ven biển huyện Diễn Châu có đoạn: “Ngày 15/3/1965, bằng 4 khẩu súng trường K44, tiểu đội trực chiến số 3 do anh Tô Đức Hùng- quê gốc Quảng Nam tập kết, sinh sống ở Diễn Hùng làm Tiểu đội trưởng đã bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ”. Ngoài Tô Đức Hùng, Tiểu đội trực chiến số 3 còn có các ông, bà: Phạm Công Nho, Nguyễn Hữu Ước, Ngô Văn Thành, Bùi Thị Ích và Trần Thị Triều.

Tôi ngỏ ý nhờ anh Trần Thông – Phó Chủ tịch UBND xã giúp đỡ trong việc tìm gặp các nhân chứng và nhận đươc câu trả lời: “Các cụ trong tiểu đội trực chiến số 3 đều đã qua đời, cụ Tô Đức Hùng mất cách đây khoảng 3 năm. Nhưng rất may, anh Thông là người khá thông hiểu lịch sử xã nhà và cung cấp được những thôn tin cần thiết.

Diễn Hùng phía trước là biển, lại có kênh Nhà Lê- tuyến đường thủy quan trọng chạy dọc theo địa bàn được dùng để vận chuyển lương thực và khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì lẽ đó, phải hứng chịu pháo hạm từ ngoài khơi Thái Bình Dương dội vào và các loại bom đạn từ máy bay địch dội xuống.

Dân quân xã Diễn Hùng (Diễn Châu) trực chiến phòng không (Ảnh tư liệu)
Dân quân xã Diễn Hùng (Diễn Châu) trực chiến phòng không. Ảnh tư liệu

Để bảo vệ làng mạc, kho tàng và tuyến đường giao thông huyết mạch, Diễn Hùng được bố trí trận địa 85 ly bảo vệ bờ biển, đại đội pháo 14,5 ly trực chiến bảo vệ kênh Nhà Lê và 4 đội dân quân trực chiến. Ước tính, trong những năm chiến tranh, Không quân và Hải quân Mỹ đã đánh vào Diễn Hùng khoảng 1.000 trận, dội xuống mảnh đất này khoảng 22.000 tấn bom đạn, bình quân mỗi người dân phải hứng chịu 4 tấn. 

Trong cảnh hoang tàn và đau thương do bom đạn kẻ thù gây nên, người dân Diễn Hùng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, hợp lực cùng bộ đội phòng không đương đầu với kẻ địch. Các tiểu đội dân quân được phân chia địa bàn trực chiến, luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Và, chính những người nông dân của Diễn Hùng đã làm nên kỳ tích vào ngày 15/3/1965, một máy bay phản lực của Mỹ bị loại khỏi cuộc chiến bởi những loạt đạn súng trường.

Làng quê Diễn Hùng (Diễn Châu) hôm nay. Ảnh: Công Kiên

Sự kiện này đã góp phần đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ, khẳng định rằng máy bay Mỹ dù tối tân đến mấy cũng có thể bắn hạ, và nếu biết cách có thể hạ nó bằng súng bộ binh. Điều ấy đã làm chấn động dư luận thế giới, đem đến niềm vui và sự tin tưởng cho bè bạn khắp năm châu, đồng thời mở ra phong trào bắn hạ máy bay địch bằng súng bộ binh của lực lượng dân quân, du kích trên toàn miền Bắc.

Noi gương và học tập dân quân xã Diễn Hùng, hàng loạt địa phương khác như Diễn Kỷ (Diễn Châu), Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) và Nghi Tân, Nghi Hải, Nghi Phương, Nghi Liên (Nghi Lộc) dân quân đã hạ máy bay Mỹ bằng súng bộ binh... Và sau chiến công ấy, lực lượng dân quân xã Diễn Hùng được nhà nước tặng Huân chương Chiến công (hạng Nhất).

Gặp người lấy thân mình làm giá súng

Từ Diễn Hải, chúng tôi về Diễn Kỷ, gặp ông Ngô Sỹ Ái – một trong hai đồng chí dân quân tham gia bắn hạ máy bay trinh sát của Mỹ ở cầu Bùng hơn 52 năm về trước. Xấp xỉ độ tuổi 80, ông Ái vẫn còn minh mẫn, về sự kiện diễn ra ngày 03/4/1965 vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết. Chiến sỹ dân quân năm xưa kể lại: “Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, xã Diễn Kỷ có 2 trọng điểm ác liệt là cầu Bùng và ga Sy.

Do vậy, trên địa bàn thường xuyên có các đơn vị bộ đội phòng không được trang bị pháo cao xạ làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu, đảm bảo giao thông thông suốt. Xã cũng tổ chức hai đội trực chiến cơ động, mỗi đội khoảng 20 người, được trang bị 1 khẩu 12,7 ly; 1 khẩu đại liên và còn lại là súng trường do các đồng chí Ngô Gườm, Nguyễn Thái và Nguyễn Huy chỉ huy”.

Ông Ngô Sỹ Ái, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) kể lại tình huống bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Ảnh: Công Kiên

Các đơn vị trực chiến thường xuyên bám trận địa để bắn máy bay tầm thấp, bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững trận địa, bình tĩnh chiến đấu, cùng bộ đội giăng “lưới lửa” bảo vệ mục tiêu. Trong suốt cuộc chiến, dân quân xã Diễn Kỷ đã tham gia hơn 800 trận chiến đấu, phối hợp bắn rơi 3 máy bay chiến đấu và độc lập tác chiến bắn rơi một máy bay trinh sát của Mỹ.

Về trận đánh ngày 03/4/1965, ông Ngô Sỹ Ái nhớ lại: “Hôm ấy, tôi và đồng chí Ngô Gườm (nay đã mất) được giao nhiệm vụ vào Huyện đội nhận thêm 1 khẩu trung liên. Được huấn luyện xong các thao tác sử dụng, chúng tôi hăm hở mang súng về. Đến giữa cầu Bùng, bỗng có 2 chiếc máy bay địch từ hướng ngoài biển đi vào với tầm bay rất thấp, liên tục chao lên rồi lượn xuống.

Đứng ở vị trí giữa cầu, không thể tiến, cũng không thể lùi tìm chỗ ẩn nấp, không còn thời gian suy nghĩ, tôi liền quỳ xuống mặt cầu, bảo đồng chí Gườm kê súng lên người để bắn máy bay. Liên tục, tôi thấy toàn thân rung chuyển bởi súng giật, một loạt tiếng nổ vang lên chát chúa. Ngước lên bầu trời, thấy một chiếc chao đảo bay lên hướng tây, kéo theo phía sau một vệt khói đen đặc”.

Cuộc sống bên sông Bùng (Diễn Châu) hôm nay. (Ảnh tư liệu Sỹ Minh)

Với loạt đạn 6 viên, hai đồng chí dân quân xã Diễn Kỷ đã bắn trúng chiếc máy bay trinh sát của địch, nó “lết” thêm được mấy chục km và rơi ở vùng giáp ranh giữa huyện Anh Sơn và Đô Lương. Chiến công này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh nhà. Với chiến công xuất sắc này, lực lượng dân quân xã Diễn Kỷ được Quân khu 4 khen ngợi.

Đồng chí Ngô Gườm được nhà nước tặng Huân chương chiến công (hạng Ba), đồng chí Ngô Sỹ Ái được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Và điều quan trọng nhất là thêm một lần nữa khẳng định máy bay địch dù có tối tân, hiện đại đến mấy cũng có thể bắn hạ bằng súng bộ binh. Thể hiện tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm và mưu trí của lực lượng dân quân, những nông dân “chân đất, đầu trần”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN