(Baonghean) - Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.
PV: Xin ông cho biết những nhiệm vụ mà ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ chọn để tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm học 2011-2012 này?
Ông Lê Văn Ngọ: Thứ nhất, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục với các giải pháp: tiếp tục triển khai các Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh, sinh viên; rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá ở phổ thông theo hướng giảm tải; tập trung thanh tra các hoạt động giáo dục; củng cố hệ thống trường chuẩn quốc gia, phấn đấu đến hết năm học có thêm 30 trường mầm non, 30 trường tiểu học, 10 trường THCS, 3 trường THPT đạt chuẩn.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục: triển khai thực hiện các văn bản về phân cấp quản lý giáo dục, về đổi mới tài chính cho GD-ĐT giai đoạn 2009-2014; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục; hoàn thành việc chuyển đổi 353 trường mầm non bán công sang công lập, 12 trường THPT dân lập sang tư thục; tăng cường vai trò tự chủ của cơ sở, chấm dứt tình trạng lạm thu trong trường học.
Thứ ba, chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng các cấp học; tổ chức khảo sát, đánh giá giáo viên ngoại ngữ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học; phấn đấu đến cuối năm học, 100% cơ sở giáo dục đào tạo có tổ chức đảng.
Thứ tư, phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục: tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học; thành lập Trường THPT Năng khiếu TDTT Nghệ An; thanh toán 617 phòng học tạm ở các trường mầm non; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho dạy học ngoại ngữ và tin học; hiện đại hóa Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu..
Đặc biệt ngành sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; việc giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh, sinh viên sẽ được quan tâm hơn. Riêng với chất lượng văn hóa thì ưu tiên bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém ở từng cấp học, từng khối lớp. Những năm qua, các cấp học của Nghệ An có tỷ lệ tốt nghiệp cao và ổn định, đồng thời học sinh giỏi, học sinh đậu đại học đạt điểm cao (từ 27 điểm trở lên) không chỉ ở trường THPT chuyên, ở thành thị mà còn ở nhiều trường THPT vùng nông thôn, vùng khó khăn. Điều đó khẳng định hướng chỉ đạo chất lượng nói trên là đúng.
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khai giảng. Ảnh: Sỹ Minh
PV: Thưa ông, đối với tình trạng kéo dài về dạy thêm, học thêm (nhất là dạy thêm cho học sinh tiểu học), bạo lực học đường,... ngành có biện pháp gì để hạn chế, khắc phục?
Ông Lê Văn Ngọ: Tình trạng dạy thêm, học thêm kéo dài khi chưa có điều kiện cơ cở vật chất và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở nhà trường; ngành đã phối hợp với UBND các cấp tăng cường công tác kiểm tra việc dạy thêm, học thêm theo quy định tại Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh; không cho phép dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học thực hiện học 2 buổi/ngày; các nhà trường tăng cường hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giảm áp lực trong dạy học văn hóa đối với học sinh.
Về công tác an toàn, an ninh trường học, chủ động ngăn chặn bạo lực học đường, giải pháp tốt nhất là thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng xã hội trên địa bàn trong việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; liên hệ chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với ban đại diện cha mẹ học sinh để nâng hiệu quả của giáo dục gia đình; ngành sẽ đưa tiêu chí đánh giá môi trường giáo dục với yêu cầu chấm dứt tình trạng bạo lực học đường vào tiêu chí thi đua; tổ chức nền nếp hoạt động giao ban an ninh trường học; các nhà trường bố trí thỏa đáng kinh phí cho hoạt động an ninh trường học.
PV: Vừa qua, lũ quét đã gây thiệt hại lớn cho ngành Giáo dục và Đào tạo 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có biện pháp gì giúp 2 huyện này vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra để họ có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới?
Ông Lê Văn Ngọ: Ngay sau khi cơn lũ đi qua, Sở và Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã cử đoàn công tác lên kiểm tra, nắm tình hình, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét tại Kỳ Sơn và Tương Dương. Đoàn đã trực tiếp làm việc với UBND và phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Tương Dương về các biện pháp cụ thể khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp đỡ các nhà trường ổn định hoạt động, giúp cán bộ, giáo viên ổn định đời sống. Sở đã báo cáo với UBND tỉnh, tham mưu việc bố trí kinh phí hỗ trợ các trường giải quyết những khó khăn trước mắt để chuẩn bị bước vào năm học mới. Đồng thời kêu gọi các đơn vị trong ngành ủng hộ các trường, cán bộ giáo viên bị thiệt hại do lũ lụt; tổ chức quyên góp sách giáo khoa ủng hộ các nhà trường và học sinh vùng bị lũ quét. Đến ngày 15/8/2011, các trường học bị ảnh hưởng do lũ quét ở Kỳ Sơn, Tương Dương đã tổ chức dạy và học theo đúng kế hoạch.
Tuy vậy, đến nay cầu treo vào các trường THCS, THPT, trung tâm GDTX khu vực thị trấn Kỳ Sơn chưa khắc phục được, việc đi lại của hơn 2000 học sinh, gần 200 giáo viên vẫn hết sức khó khăn, nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự chỉ đạo, giúp đỡ của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Một giải pháp để khắc phục căn bản tình trạng khó khăn của giáo dục vùng cao là triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở, bếp ăn cho học sinh bán trú, nội trú cần được Chính phủ, UBND tỉnh và ngành, các huyện tập trung giải quyết.
PV: Xin cảm ơn ông!