(Baonghean) - Với chức năng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đổi mới các hoạt động của trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

1504166775835.jpgĐổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường trao đổi giữa giảng viên với học viên tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lê Thanh

Thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy trên cơ sở chương trình và định hướng đổi mới của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, nhà trường đặt ra yêu cầu giảng viên phải luôn luôn tự đổi mới phương pháp, kỹ năng giảng dạy, nâng cao kiến thức lý luận và tổng kết thực tiễn, đặc biệt là năng lực liên hệ, vận dụng, giúp người học nắm vững bản chất nội dung vấn đề đồng thời giải đáp, làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, hình thành cách tiếp cận đúng đắn. 

Bên cạnh nhiều hoạt động đã được thực hiện, trong những năm gần đây, nhà trường đã có nhiều hoạt động khoa học thiết thực, bổ ích. Hàng năm có từ 5-7 đề tài, đề án khoa học cấp trường được triển khai; hàng chục sáng kiến, giải pháp đổi mới phương pháp, cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy - học, công tác tham mưu, phục vụ.

Đặc biệt, nhà trường đã đăng ký và triển khai nghiên cứu thành công nhiều đề tài, đề án khoa học cấp tỉnh, trong đó có những đề tài được đánh giá xuất sắc; tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên môn, hội thảo khoa học cấp trường rất thiết thực, bổ ích. Năm 2017, trường được BTV Tỉnh ủy giao chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đơn vị liên quan tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh về kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga và Hội thảo khoa học quốc tế nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Trường Chính trị mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp giảng dạy các chuyên đề cho các lớp cao cấp chính trị. Ảnh: Lê Thanh

Để đáp ứng yêu cầu mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường thường xuyên tăng cường thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Từ việc xây dựng kế hoạch giảng dạy đảm bảo tính khoa học, hợp lý, bố trí đội ngũ giảng viên thực hiện theo đúng kế hoạch. Thống nhất triển khai nội dung giáo trình TCLLCT - HC, chỉ đạo kịp thời việc bổ sung, cập nhật trong giáo án giảng dạy các nội dung giáo trình TCLLCT-HC mới.

Thường xuyên áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tích cực, hiện đại. Thực hiện thanh tra đột xuất trong việc quản lý học viên các lớp TCLLCT-HC và hoạt động giảng dạy của giảng viên; tiến hành đánh giá giảng viên. Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhà trường đã phối hợp và trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng được 52 lớp với 3.653 học viên; thực hiện lấy ý kiến phản hồi của học viên đối với chất lượng giảng dạy của 18 giảng viên thông qua việc thăm lớp, dự giờ tại 7 lớp. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa phát biểu tại một hội thảo khoa học. Ảnh tư liệu

Nét mới của trường trong những năm gần đây là tăng cường mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các ban  Xây dựng Đảng, lãnh đạo UBND tỉnh tham gia giảng dạy, đội ngũ báo cáo viên của tỉnh và Trung ương báo cáo chuyên đề theo nội dung cụ thể. Trong những tháng đầu năm 2017, nhà trường đã mời các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giảng dạy các chuyên đề cho các lớp cao cấp chính trị.

Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mời các đồng chí báo cáo viên Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập 4 chuyên đề: “Lý luận và thực tiễn về quyền lực và sự tha hóa quyền lực; Phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Phát huy giá trị văn hóa, phong cách con người xứ Nghệ” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, báo cáo viên Tỉnh ủy, cán bộ ban tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các huyện, thành, thị ủy; các trung tâm bồi dưỡng chính trị.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa sư phạm, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; ý thức, phong cách nhà giáo. Trong những năm qua, nhà trường duy trì nghiêm túc có hiệu quả  buổi chào cờ tuần đầu tiên của tháng, kết hợp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch tháng và triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo. Qua đó, cung cấp thông tin quán triệt chủ trương, chính sách mới cho CCVC; kỷ luật công vụ, lề lối làm việc, phát ngôn của cán bộ, giảng viên, thực hiện văn hóa công sở, chế độ hội họp được tiếp tục chấn chỉnh, ngày càng đi vào nền nếp, góp phần xây dựng không gian sư phạm chuẩn mực, văn minh. 

Song song với đó là việc thực hiện siết chặt kỷ cương lớp học, thực hiện tăng cường quản lý người học để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng “bằng thật, học giả”, và người học sao chép, thụ động, thiếu tính sáng tạo. Nhất là gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khắc phục “bệnh” lười học lý luận chính trị. Đối với học viên, động cơ học tập phải xác định ngay từ đầu, nhà trường quán triệt thông điệp ngay khi khai giảng các lớp học để nâng cao ý thức tinh thần, tự giác trong học tập và rèn luyện. Nhà trường thực hiện đổi mới trong việc ra đề thi và đánh giá kết quả của học viên.

Theo đó, đề thi sẽ thực hiện theo hướng “mở” để gắn lý luận với thực tiễn, tránh sao chép tài liệu. Siết chặt việc đánh giá học viên cả quá trình học tập chứ không căn cứ vào điểm số. Gửi kết quả học tập của học viên về cơ quan, địa phương, đơn vị nhằm tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cơ quan, đơn vị địa phương cử cán bộ đi học.

Giờ học lớp Trung cấp Lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Lê Thanh

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chia sẻ: Cách làm của nhà trường là có sự phân công trách nhiệm rõ ràng các đồng chí trong Ban Giám hiệu và các thành viên có trách nhiệm ở các phòng, khoa nhằm tạo tính chủ động trong giải quyết công việc.

Theo đó, các khoa, phòng đã có sự chủ động trong điều hành công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, luôn bám sát kế hoạch giảng dạy và các hoạt động chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn. Các chủ trương bàn bạc dân chủ tạo sự thống nhất cao trong tập thể ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên. Trong quá trình thực hiện có sự kiểm tra, giám sát sát sao của Ban giám hiệu nhà trường. 

Mục tiêu nhà trường hướng tới là xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An thành trường chuẩn quốc gia trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự quản lý, điều hành của Ban Giám hiệu nhà trường, nỗ lực đổi mới của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà trường cần tiếp tục được sự quan tâm đầu tư hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đáp ứng theo tiêu chí của Trường Chính trị chuẩn Quốc gia và yêu cầu nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ hiện nay cũng như trong thời gian tới.

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN