(Baonghean) - Từ năm 2011 đến nay, với những nỗ lực của các cơ sở đào tạo và các địa phương trong công tác dạy nghề, số người được đào tạo nghề hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 81.600 người. Phần lớn lao động sau đào tạo đã áp dụng và phát huy được hiệu quả, nâng cao năng suất lao động và tự tạo việc làm. Tuy vậy, để đào tạo nghề gắn chặt hơn nữa với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vẫn còn những vấn đề cần khắc phục...
Những đổi mới
Đến hết năm 2014, Nghệ An có 6 trường cao đẳng nghề (trong đó 1 trường ngoài công lập), 9 trường trung cấp nghề, 24 trung tâm dạy nghề (trong đó 8 trung tâm ngoài công lập) và 25 cơ sở tham gia dạy nghề (trong đó 13 cơ sở ngoài công lập) và là tỉnh có mạng lưới cơ sở đào tạo nghề nhiều nhất khu vực Bắc Trung bộ, chiếm đến 42%. Hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dạy nghề ở các vùng, miền trong tỉnh. Bên cạnh đó, trung tâm dạy nghề của các huyện như Diễn Châu, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn… được nâng cấp và trở thành những địa chỉ tin cậy trong việc dạy nghề và hướng nghiệp cho lao động các địa phương.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư, nâng cấp; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề tăng cả số lượng và chất lượng. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo nghề có nhiều đổi mới tích cực trong công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng dạy, học. Thầy Nguyễn Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú, cho biết: “Nếu như năm 2008, trường mới chỉ đào tạo trình độ sơ cấp nghề, thì đến nay đã đào tạo 4 nghề trình độ trung cấp là điện dân dụng, hàn, thú y và may thời trang (trong đó nghề điện dân dụng và hàn được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm cấp quốc gia); 11 nghề trình độ sơ cấp là: may công nghiệp, dệt thổ cẩm, trồng nấm, tin học, chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, điện dân dụng, hàn điện, sửa chữa xe máy, trồng cam. Trong những năm qua, trường liên tục hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển sinh – đào tạo của UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH giao
. Riêng năm 2014, trường đã tuyển sinh đào tạo được 1.185 học viên trình độ sơ cấp (vượt chỉ tiêu 22%); tuyển mới 165 học sinh trung cấp nghề (đạt 100% chỉ tiêu) nâng tổng số học sinh đang theo học hệ trung cấp nghề tại trường lên 375 em. Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã phối hợp với các trường THCS và THPT tích cực làm công tác hướng nghiệp và phân luồng nhằm định hướng cho các em có được sự lựa chọn đúng đắn trong việc quyết định học nghề thường xuyên, đồng thời nắm bắt các lịch họp phụ huynh của các trường THPT, THCS trong vùng để tuyên truyền, hướng nghiệp nghề cho học sinh lớp 9 và 12. Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; khuyến khích học sinh đang theo học tại trường làm những "tuyên truyền viên" tuyển sinh. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phối kết hợp trong quá trình đào tạo; tư vấn cho UBND các xã, thị trấn tổ chức học nghề để phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.
Ngoài nâng cao chất lượng, nhiều cơ sở đào tạo nghề đã gắn với các địa chỉ sử dụng lao động để bố trí việc làm sau đào tạo như Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Thương mại Nghệ An, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Trường Trung cấp nghề KT - KT Bắc Nghệ An... Theo khảo sát, học sinh sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề có việc làm đạt trên 85%; học viên học sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên đã áp dụng và phát huy được hiệu quả học nghề để nâng cao năng suất lao động và tự tạo việc làm. Thu nhập của lao động sau đào tạo nghề được nâng lên, góp phần ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Thầy Nguyễn Văn Tài – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cho biết: “Một trong những mối quan tâm lo lắng của phụ huynh và học sinh hiện nay khi lựa chọn học nghề chính là vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp.
Để giải quyết khó khăn này nhà trường đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của người lao động và quan hệ cung cầu trên thị trường lao động. Những năm qua Nhà trường có mối liên hệ chặt chẽ với các công ty và doanh nghiệp để tuyển dụng học sinh sau tốt nghiệp như: Công ty cổ phần Lilama 18, Lilama 7, Công ty cổ phần Cơ khí Ô tô 3/2, Công ty Cổ phần xây lắp I- Petrolimex, Công ty cán thép Thành Long, Công ty Ô tô Trường Hải, Công ty May Tinh Lợi Hải Dương, Dệt may Minh Anh,... Học sinh của nhà trường sau khi tốt nghiệp được các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên”.
Chú trọng đào tạo lao động nông thôn
Bên cạnh đào tạo nghề công nhân kỹ thuật tại các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, việc đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được nhiều địa phương chú trọng. Ví như huyện Yên Thành, từ năm 2011 đến nay đã áp dụng có hiệu quả mô hình dạy nghề và giảm nghèo từ nghề trồng nấm. Đồng thời tạo điều kiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng chuối, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho người dân, xây dựng các chương trình hỗ trợ về giống, vật tư phân bón… Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề và phát triển sản xuất, đến nay trên địa bàn huyện Yên Thành có hơn 600 hộ sản xuất nấm ở 14 xã, trong đó nhiều hộ đã phát triển thành các trang trại. Cùng với nghề trồng nấm, từ năm 2011 đến nay, Yên Thành đã tổ chức được 336 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề: may công nghiệp, hàn điện - hàn hơi, điện dân dụng, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản, mây tre đan…, tổng số lao động được đào tạo nghề trên 10.100 người. Sau đào tạo nghề, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội xây dựng các mô hình tổ hợp chăn nuôi gà tại xã Quang Thành, chăn nuôi vịt đẻ tại xã Phú Thành, mô hình tổ hợp sản xuất mộc dân dụng tại xã Tân Thành, chăn nuôi lợn đảm bảo môi trường tại xã Mỹ Thành, phát triển nông lâm kết hợp tại xã Lăng Thành…, hầu hết các mô hình đều phát triển tốt và đạt hiệu quả đang được nông dân nhân ra diện rộng.
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 40% năm 2010 lên 52% năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 33% năm 2010 lên 46% năm 2014 (bình quân hàng năm đào tạo nghề cho hơn 81.000 lượt người). Ước thực hiện năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Và những bất cập
Tuy vậy, công tác đào tạo nghề hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thẳng thắn: “Quy mô dạy nghề tăng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là lao động kỹ thuật cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động. Nguyên nhân là phần lớn các cơ sở đào tạo vẫn còn tình trạng đào tạo theo năng lực của cơ sở, tập trung vào các nghề như điện, điện tử, sửa chữa xe máy, cơ khí, may mặc, kế toán, tin học… mà chưa chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Ngay cả những trường được đầu tư bài bản thì các ngành nghề đào tạo giữa các trường còn nhiều chồng chéo, chưa có các ngành nghề kỹ thuật cao theo yêu cầu của thị trường. Trong lúc đó các ngành nghề mũi nhọn, thế mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: xi măng, vật liệu xây dựng, thủy điện, chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa... lại đang bị “bỏ quên”.
Giáo trình và chương trình đào tạo ở các trường nghề chưa vẫn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các chủ cơ sở kinh doanh, chủ doanh nghiệp; chất lượng giáo viên ở một số trường nghề còn thấp và chưa đồng đều, tâm lý ngại đổi mới phương pháp dạy học đi đôi với tình trạng “dạy chay” rất phổ biến. Điều này dẫn đến một thực tế là một số nghề như may thời trang, dù nhu cầu tuyển dụng của một số cơ sở may mặc tư nhân có tiếng khá cao nhưng đa phần các đơn vị phải tuyển người chưa có tay nghề rồi đào tạo lại. Trong khi đó, chương trình dạy nghề may ở các trường từ trung cấp đến cao đẳng nghề chỉ đào tạo công nhân may công nghiệp hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng của các công ty, chậm đổi mới, chậm thích nghi với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, ngân sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động dân tộc thiểu số và nông thôn, dạy nghề cho lao động tàn tật còn hạn hẹp, định mức thấp”.
Do vậy, thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, hướng tới mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75% (trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 70%; lao động kỹ thuật đạt 15,94%) vào năm 2020, tỉnh cần phân định rõ các nhóm lao động trong đào tạo nghề để có định hướng, kế hoạch đào tạo phù hợp, sát với nhu cầu học nghề của người lao động và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, nhất là các chính sách cho người học nghề, người lao động qua đào tạo nghề, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia dạy nghề… Kiện toàn, chấn chỉnh các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề đang hoạt động kém hiệu quả; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Ngoài ra, cần mở rộng thị trường lao động trong và ngoài nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều tập đoàn kinh tế vào Nghệ An để đầu tư hoặc mở các cơ sở đào tạo nghề, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề…
Minh Quân