(Baonghean) - Việc các nhà tài trợ rút đi, cắt giảm kinh phí hỗ trợ, đang trở thành bài toán khó đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay. Để giải bài toán này, cần một giải pháp hữu hiệu, lâu dài...

Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành địa phương, cùng sự giúp đỡ của các dự án tài trợ nước ngoài như Pepfar, Quỹ Toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB), công tác phòng chống HIV/AIDS ở tỉnh ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến  năm 2012, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 6.493 người nhiễm HIV, trong đó có 3.627 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 2.102 trường hợp đã tử vong do AIDS; 20/20 huyện, thành, thị với 397/479 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV, chiếm 82,88%; so với năm 2005, tỷ lệ lây nhiễm HIV cơ bản được khống chế.
 
Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức: số người nhiễm vẫn đang ở mức cao, số người nhiễm HIV mới được phát hiện nhiều ở các huyện miền núi. Các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trong thời gian gần đây vẫn tập trung cao nhất trong nhóm nghiện chích ma tuý, chiếm hơn 86% và tập trung cao nhất ở nhóm tuổi lao động là 20-39 tuổi và ở nhóm nam giới chiếm hơn 85%.
 
Nỗi lo này càng lớn hơn khi các dự án tài trợ của nước ngoài đến nay gần như đã hết thời hạn, đều có kế hoạch cắt giảm đầu tư, tài trợ trực tiếp, chuyển sang giúp đỡ về mặt kỹ thuật và chuyên môn, để lại một lỗ hổng khá lớn về nguồn kinh phí duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong khi Chương trình Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang được triển khai toàn diện với các hoạt động: truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân AIDS tại các phòng khám ngoại trú, tại nhà và tại cộng đồng.
 
Việc cắt giảm tài trợ đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng chống HIV/AIDS ở các địa phương. Tại Diễn Châu, năm 2013, trên địa bàn toàn huyện có 337 người bị nhiễm HIV (trong đó 226 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS). Với đặc thù là địa bàn có nhiều đối tượng nghiện chích ma túy, nguy cơ cao dẫn đến lây nhiễm HIV. Bởi vậy, từ sau khi dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do WB tài trợ kết thúc, đồng nghĩa với những khó khăn đặt ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Trước hết là về nguồn nhân lực phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục. Khi dự án rút đi, đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng (là những đối tượng nghiện và gái mại dân đã thay đổi hành vi)  không còn được trả lương. Nên từ 11 đồng đẳng viên nay chỉ còn 7 người tham gia hoạt động. Bởi vậy, Trung tâm Y tế huyện phải duy trì hoạt động tuyên truyền bằng cách sử dụng đội ngũ cộng tác viên các xã và chuyên trách (có tập huấn và hướng dẫn). Tuy nhiên, những cộng tác viên này gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận, tư vấn cho các đối tượng nghiện, gái mại dâm nên hiệu quả tuyên truyền giảm. Mặt khác, kinh phí bị cắt nên các dụng cụ phục vụ tuyên truyền như: bao cao su và kim tiêm sách nhỏ, tranh ảnh tờ rơi... cũng bị hạn chế rất nhiều.
 
Hiện tại nguồn kinh phí từ các chương trình do Pepfar tài trợ (trong đó có các dự án WB, FHI…); Dự án của Quỹ Toàn cầu và một số dự án của Trung tâm Phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh quốc gia của Mỹ  chiếm tới 75% trong tổng kinh phí dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta. Dự án rút đi, đồng nghĩa với việc không được tài trợ về kinh phí, kỹ thuật nữa.
 
Ông Luyện Văn Trịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Để giải quyết những cái khó đó, tháng 8/2013, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh đã có cuộc làm việc với Cục phòng, chống HIV/AIDS và PEPFAR đưa ra các chiến lược chuyển giao tập trung vào nội dung cơ bản: Tiếp tục duy trì các dịch vụ có chất lượng cho các đối tượng, duy trì đầu ra, tìm nguồn ngân sách tài trợ cho các hoạt động. Các cơ quan trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao năng lực và huy động các nguồn lực khác nhau nhằm giải quyết vấn đề về nhân lực… Tỉnh cũng đã đề nghị Cục phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ sau khi kế hoạch chuyển giao được phê duyệt. Đối với các nhà tài trợ thì cần xây dựng lộ trình chuyển giao phù hợp với đặc thù của tỉnh; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, cập nhật các kiến thức chuyên môn, kỹ thuật lâu dài và cắt giảm tài trợ chậm hơn các tỉnh khác. Trong giai đoạn chuyển giao này, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đề ra giải pháp tăng cường năng lực hoạt động. 
 
Trước mắt công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện tại chưa có khó khăn nhiều, tuy nhiên về lâu dài nếu không có chiến lược bù đắp tốt thì khi dự án rút đi “khoảng trống” sẽ lộ diện: nhiều CLB đồng cảm, nhóm tự lực hoạt động rất mạnh và hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh phải ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, sau năm 2018, một loạt những dịch vụ y tế miễn phí dành cho những người nhiễm HIV/AIDS sẽ bị cắt giảm. Để ứng phó với việc nguồn kinh phí cắt giảm, hiện tại các nhóm đồng đẳng như Hợp tác xã Sông Lam xanh đã mở cửa hàng để kinh doanh, động viên các thành viên học nghề, làm việc để lấy kinh phí hoạt động, đảm bảo đời sống cho mỗi thành viên. Những cá nhân như anh Bạch Hưng N, ở xã Hưng Phú, Hưng Nguyên thì mở ngành nghề kinh doanh dịch vụ đám cưới, hội họp để tự lo cho bản thân và gia đình.
 
images861580_h_i_thi.jpgHội thi tuyên truyền viên giỏi trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở huyện Quế Phong.
 
Ở huyện miền núi Tương Dương, dự án WB rút đi, huyện đã thực hiện việc củng cố lại bộ máy ở xã, bản để phòng, chống HIV/AIDS, giao cho các y tế bản thực hiện việc cấp phát bao cao su, phát và thu gom bơm kim tiêm không vì mục tiêu kinh tế mà đi vào chiều sâu; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS, về cơ chế lây nhiễm; tích cực phòng, chống tệ nạn ma túy...
 
Ở các huyện như Nam Đàn (126 người nhiễm), Tân Kỳ (133 người nhiễm), năm 2013, nguồn ngân sách phòng, chống HIV/AIDS đã cắt giảm 30 triệu đồng so với năm 2013. Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả, các huyện này đã tập trung công tác truyền thông đến người dân và các đối tượng có nguy cơ cao cũng biết rõ điều này để có sự chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe. Đồng thời tăng cường công tác giám sát và thực hiện đầy đủ các nội dung chương trình trên nền tảng kinh phí eo hẹp hơn…  Ông Mạc Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết: "Trong điều kiện kinh phí giảm dần, cũng như các huyện khác, Quế Phong sẽ đẩy mạnh công tác phòng, chống trên cơ sở sự kết hợp lồng ghép nội dung hoạt động, nguồn kinh phí của các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội".
 
Ông Luyện Văn Trịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khuyến cáo: Nếu các nguồn tài trợ không còn duy trì trong tương lai thì việc áp dụng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đối với bệnh nhân nhiễm HIV để hỗ trợ họ chi phí trong quá trình điều trị sẽ là một giải pháp hữu hiệu. Điều 40 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định: Người đang tham gia BHYT bị nhiễm HIV được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh; Bộ Y tế cũng đã có văn bản quy định danh mục thuốc kháng HIV do BHYT chi trả.
 
Như vậy, Luật BHYT không phân biệt người nhiễm HIV/AIDS với người mắc bệnh khác và người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT sẽ được hưởng chế độ và được chi trả giống như các bệnh khác. Điều đó có nghĩa là, tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ giảm được chi phí trong điều trị HIV. Hiện nay, các loại thuốc trong phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV đều có trong danh mục thuốc BHYT do Bộ Y tế quy định, gồm cả thuốc ARV. Người nhiễm tham gia BHYT để được hỗ trợ về kinh phí khám và điều trị bệnh sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc điều trị lâu dài trong thời gian tới.
 
Thiền Thanh – Minh Nguyệt