(Baonghean.vn) - Là đứa con của “Lường”, tôi thật sự bồi hồi khi được đọc bài viết “Một cảm nhận xứ Lường” (Báo Nghệ An cuối tuần, ngày 4/12/2011). Sau những cảm xúc do “cảm nhận” lý trí bỗng bật ra mấy điều xin được trao đổi lại để “cảm nhận” không dẫn đến nhận lầm...

Không phải “trai Cát Ngạn gái Đô Lương” mà phải là “trai Cát ngạn, gái Đò Lường”. Vì sao, xin không lý giải sợ nó dài dòng ra.

Còn lời trong bài ví “Giận thương”:

Chính thương anh nên em bàn với mẹ

Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường

Thì còn mới, chứ chưa “cổ” được. Bởi đây không phải do “các cụ” ngày xưa đặt ra. Đây là một câu hát trong hoạt cảnh dân ca của ông Nguyễn Trung Phong, một tác giả nổi tiếng về kịch và hoạt cảnh dân ca quê Diễn Bình, Diễn Châu nói về cái việc đừng bỏ công việc của hợp tác xã để ngược Lường đi buôn. Cho nên câu hát này có sau, chứ không phải có trước câu “trai Cát Ngạn, gái Đò Lường”.

Địa danh “Lường” từ đó gắn với sông Lường, bến Đò Lường, chợ Lường có từ lúc nào và tại sao mà có đến nay, vẫn chưa ai tỏ cả? Nếu vì thế mà liên tưởng chuyện buôn bán quê ông Trạng Lường Lương Thế Vinh, theo đường biển rồi ngược sông Lam lên đến đây buôn bán mà có tên Lường, thì e không ổn?

Lại đến chuyện chợ Lường. Đây có lẽ là một cái chợ độc đáo của Nghệ An ta. Nó vốn có một chợ hàng hoá ở khối 1 thị trấn, họp hàng ngày từ sáng đến chiều. Mỗi tháng có 3 phiên đại vào các ngày 9, 19 , 29 âm lịch. Cùng đó có một chợ chuyên buôn bán trâu bò chỉ họp vào các ngày phiên đại. Hai chợ này cách nhau độ ba bốn trăm mét gì đó. Khi nói về chợ Lường, người ta thường nói chủ yếu về chợ hàng hoá.

Đập bara Đô Lương, ngăn sông Lam để dâng nước lên trong mùa nước cạn đủ đưa nước theo kênh đào về tưới cho đồng ruộng ba huyện Diễn – Yên - Quỳnh. Công trình này do ai thiết kế còn phải tìm cứ liệu chứ chưa thể nói là do ông Hoàng Xuphunuvông thiết kế được. Chỉ biết là Hoàng thân Xuphunuvông có thời gian đã làm việc ở công trình xây dựng hệ thống đại thuỷ nông này. Thế thôi! Còn vị trí của đập bara thì nó chỉ có thể ở cái chỗ hiện nay nó đang ở - không thể ngược thêm lên, cũng chẳng thể xuôi thêm xuống, bởi do địa thế chứ không phải do ý muốn chủ quan - dẫu là vô cùng tốt đẹp đi nữa của các nhà thiết kế.

“Một cảm nhận xứ Lường” là một bài bút ký, là văn chương, là cảm nhận, dĩ nhiên là được quyền liên tưởng, được quyền mơ mộng… Song, không vì thế mà để rơi vào những liên tưởng mang tính gán ghép, dẫn đến sự nhầm lẫn không đáng có và không nên có. Những người già như chúng tôi, đọc sự nhầm lẫn cũng chỉ cười. Nhưng lớp con cháu sau này đọc thế, chúng tưởng thế là thật thì gay!

Trương Công Anh