(Baonghean) - Theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển cho Nghệ An, tỉnh ta sẽ có 3 vùng kinh tế trọng điểm, gồm vùng Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh và miền Tây.

Cụ thể, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ sẽ tập trung xây dựng vùng Hoàng Mai - Đông Hồi gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn, phát triển các ngành công nghiệp động lực như: nhiệt điện, xi măng, luyện thép, cơ khí, hoá chất, cảng biển… Vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh có trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo ôtô, thiết bị công nghệ cao, dược phẩm, chế biến nông - lâm - hải sản. Thứ 3 là khu vực miền Tây gắn vùng nguyên liệu với khai thác, chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp; xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm là Nghĩa Đàn, nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp khu vực miền Tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và là điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ.

Để thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, một trong những giải pháp mà tỉnh đưa ra là hợp tác phát triển liên kết vùng. Cụ thể, tỉnh cố gắng tận dụng các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương; khai thác thị trường để tạo hiệu quả cho phát triển vùng; đồng thời, phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh về phát triển các ngành mũi nhọn của tỉnh như các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ theo hướng phát triển các cụm liên kết ngành.

Thời gian gần đây, trên một số lĩnh vực, tính liên kết vùng đã được các địa phương quan tâm thực hiện. Ngày 27/9/2013, quy hoạch vùng nguyên liệu cho Dự án chế biến gỗ tại Nghệ An và Dự án bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An được công bố. Theo đó, vùng quy hoạch nguyên liệu cho Dự án chế biến gỗ tại Nghệ An có tổng diện tích 45.011 ha, trên địa bàn 13 huyện, thị xã trong tỉnh. Thực hiện Kết luận số 47-KL/TU của BCH Đảng bộ về việc quy hoạch vùng nguyên liệu sắn các huyện miền núi, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, dự kiến tổng diện tích quy hoạch sắn là 6.420 ha trên địa bàn 65 xã thuộc 6 huyện miền núi... Tương tự, quy hoạch phát triển các cây công nghiệp chủ lực như cam, cao su, cà phê bước đầu đã tính đến liên kết vùng, tạo nên các vệ tinh để phát triển. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong việc triển khai liên kết giữa các địa phương trong vùng, và là cơ sở quan trọng trong việc đề xuất xây dựng một cơ chế chính sách hoàn thiện cho cấp vùng. 

Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng "mạnh ai nấy làm", địa phương bạn trồng cây, nuôi con gì có giá trị kinh tế, hoặc công trình có khả năng mang lại nguồn thu cho ngân sách, thì các địa phương bên cạnh cũng ồ ạt làm, đầu tư làm theo, dẫn đến phá vỡ quy hoạch và tính cân đối trong bức tranh toàn cảnh của địa phương đó. Điều này còn dẫn đến môt hệ lụy là tài nguyên sớm bị cạn kiệt. Mặc dù trong quy hoạch của từng địa phương đều đã phân tích lợi thế phát triển, nhưng tính khoa học vùng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các quy hoạch không gian lãnh thổ công nghiệp, nông nghiệp ảnh hưởng của lối tư duy bao cấp, phân bố lực lượng sản xuất, đầu tư còn chủ quan duy ý chí và chưa dựa trên nguyên tắc nền kinh tế thị trường. 

Trên thực tế, việc liên kết vẫn mang tính dàn trải, trùng lặp, chồng chéo, tính khả thi không cao, tính liên kết lỏng lẻo. Nguyên nhân chủ yếu là do tính ràng buộc pháp lý thấp, các thỏa thuận không đi kèm điều kiện thi hành; nguồn lực hợp tác hạn chế; lợi ích cục bộ vẫn chi phối sự hợp tác giữa các địa phương; các ý tưởng liên kết chưa được cụ thể hóa trong các kế hoạch, quy hoạch phát triển mang tính chất dài hạn trong từng địa phương, kể cả các địa phương với tư cách như là một cực tăng trưởng. 

Khi thực tiễn đòi hỏi phải có sự phối hợp, hợp tác cùng phát huy các thế mạnh của nhau, thì các địa phương nên hợp tác, trao đổi trên cơ sở tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể tiềm năng, lợi thế, tính khả thi và hiệu quả thực hiện liên kết. Tuy nhiên, thực tế, sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh chưa phù hợp với các nguyên lý liên kết vùng. Bên cạnh đó, khi đề ra mục tiêu phát triển, các ngành chức năng, doanh nghiệp và địa phương đã không lường trước những khó khăn, hoặc đã lường trước những khó khăn nhưng vẫn “cố" làm, để rồi lại trở thành "những bài học kinh nghiệm". Vì vậy, việc triển khai thực hiện các quy hoạch liên kết vùng, địa phương rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc một cách thực chất của các địa phương thì mới nâng cao được hiệu quả của các liên kết vùng, địa phương trong tỉnh.

Phan Cường 

(Phòng Kinh tế - VP Tỉnh ủy)