(Baonghean) - Cha tôi có một đôi dép lốp màu đen đã cũ lắm rồi. Nhưng lúc nào cha cũng nâng niu nó như báu vật. 

Nhớ hồi học cấp hai, vào cái lần cha đèo tôi lên thị trấn thi học sinh giỏi cấp huyện, tôi đã xấu hổ đến đỏ mặt vì... đôi dép lốp của cha. Bởi lẽ trong khi cha mẹ của đám bạn, người đi giày cao gót sành điệu, người thì đi giày da bóng loáng. Chỉ có cha tôi là đi đôi dép lốp vừa cũ kỹ, vừa xấu xí. Kết thúc buổi thi, thoáng thấy hình ảnh cha đứng thấp thỏm trông đợi ở cổng trường, tôi lảng đi, núp bên một gốc cây xà cừ già cỗi, chờ cho đám bạn về hết mới lủi thủi tiến ra chỗ cha đang đứng. Dọc đường về, cha hỏi gì tôi cũng trả lời qua quýt. Tôi đăm đăm nhìn vào đôi dép đang xoay đều cùng chiếc bàn đạp nặng nề và cảm thấy giận cha ghê gớm.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Có đáng gì đâu một đôi dép lốp đã trơ mòn, cũ nát? Quai dép đã bị đứt, cha dùng thanh thép ủ vào bếp than hồng rồi hàn gắn lại từng đoạn một. Tôi chẳng thể nào nhớ nổi tuổi thọ của đôi dép ấy nữa, chỉ nhớ rằng khi tôi biết để ý nhiều hơn đến mọi thứ xung quanh ngôi nhà nhỏ này thì đã thấy đôi dép lốp của cha thường được xếp ngay ngắn bên bậc thềm. Bao giờ cũng vậy, cứ đi đâu xa về, cha lại giữ thói quen mang đôi dép ra giếng dùng bàn chải đánh thật sạch sẽ cứ như thể sợ nó bị... nhiễm trùng vậy. Có hôm con cún nghịch ngợm tha một chiếc dép ra góc vườn chơi, cha đã lật đật đi tìm giữa buổi trưa chang chang nắng. Đến lúc tìm được chiếc dép ấy, nét mặt cha mừng vui khó tả.

Ngày ngày, trên đôi dép lốp cũ kỹ, cha vẫn đi mọi nẻo đường xuôi ngược. Lớp màu đen của dép đã pha màu bạc phếch và chiếc quai đã có thêm nhiều mối hàn, nhưng tình yêu của cha dành cho đôi dép ấy vẫn không bao giờ thay đổi. Cái lần nhận được tiền thưởng giải khuyến khích môn Văn cấp huyện, điều đầu tiên mà tôi làm tôi đã mua một đôi dép tổ ong mới tặng cha. Cha cười xòa: “Đôi dép lốp của cha vẫn còn dùng tốt mà con... Hãy để dành tiền mà mua những thứ con thích”. Tôi biết nhà tôi nghèo thật, nhưng tôi không muốn cha phải kham khổ đi đôi dép lốp rách nát ấy mãi như thế. Cha luôn nghĩ cho tôi mà nhiều khi quên đi cả chính bản thân mình.

Đêm ấy, khi tôi đang lim dim mắt chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng cha thủ thỉ trước bàn thờ mẹ: “Cu Tèo nhà mình nay lớn thật rồi mẹ nó ạ. Trưa nay nó bảo đôi dép lốp của tôi đã cũ nên mua tặng tôi một đôi dép tổ ong mới đấy! Tôi không ngờ con chúng ta đã nghĩ được như vậy. Đôi dép tổ ong này là món quà đầu tiên con trai nó tặng tôi, còn đôi dép lốp kia lại là món quà cuối cùng tôi nhận được từ mẹ nó đấy nhỉ?” Nước mắt rơi ướt đầm gối bông, tôi chợt vỡ lẽ ra tất cả. Chả trách cái bữa bà nội nhắc đến dì Nguyệt làng bên, cha đã khăng khăng từ chối rồi lại lặng lẽ ra ngoài hiên vừa lau chùi, vừa ngắm nghía đôi dép lốp và ngồi đó thao thức thâu đêm...

Từ hôm ấy, cha cất đôi dép lốp cũ vào một chiếc hộp nhỏ và chuyển sang đi đôi dép tổ ong. Cha cười bảo đôi dép tôi mua tặng cha đi rất vừa vặn và êm chân. Giống như thói quen trước đây, đi đâu về cha cũng dùng bàn chải tỉ mẩn đánh rửa đôi dép thật sạch sẽ, trắng sáng rồi lại xếp ngăn nắp lên bậc thềm. Nhiều hôm tôi còn bắt gặp cha nhẹ nhàng mang đôi dép lốp và đôi dép tổ ong ra đặt cạnh nhau rồi ngồi lặng im mãi. Lén nhìn đôi mắt ươn ướt nước của cha, tôi biết cha đang nghĩ gì. Không biết giờ này ở thế giới bên kia, mẹ có nhớ cha như cha đang cồn cào nhớ về mẹ? Nghĩ đến đó, sống mũi tôi chợt cay nồng thổn thức...

Giờ đây, mải đồng hành trên những nẻo đường gập ghềnh cha bước mỗi ngày luôn có đôi dép lốp của mẹ và đôi dép tổ ong của tôi...

Phan Đức Lộc