Trong số 14 CLB đang chơi ở giải chuyên nghiệp có 12 CLB mang tên kép: tên địa phương ghép với tên doanh nghiệp. Các CLB đó là: Vicem-HP, Hà Nội T&T, Hà Nội ACB, HP - Hà Nội, The Vissai Ninh Bình, SHB - Đà Nẵng, HA - Gia Lai, Khatoco Khánh Hòa, Navibank Sài Gòn, Becamex Bình Dương, Đ.T - Long An và TĐCS - Đồng Tháp. Chỉ có 2 CLB mang tên đơn dẫu vẫn có doanh nghiệp đóng vai "ông bầu" là SLNA và Thanh Hóa.
Những ai thật sự chú ý và ghi nhớ thì hẳn biết doanh nghiệp "ông bầu" của SLNA là Ngân hàng Bắc Á. Ngược lại, những ai không mấy quan tâm thì họ chẳng biết, có khi không cần biết ai là "ông bầu". Họ chỉ biết có Sông Lam Nghệ An - cái tên có từ thuở ban đầu là đủ.
Tại sao Ngân hàng Bắc Á khi "ôm" trọn gói SLNA lại không dùng tên ghép kiểu: Bắc Á - SLNA hoặc SLNA - Bắc Á? Điều này cho thấy Ngân hàng Bắc Á "ôm" SLNA không vì danh và cả không vì lợi cho thương hiệu của mình. Có lẽ chỉ vì họ muốn đóng góp điều gì đó cho bóng đá xứ Nghệ mà thôi!
SLNA luôn nhận được sự cổ vũ của khán giả xứ Nghệ. Ảnh: Đức Chuyên
Dẫu có tên địa phương, nhưng có vẻ như người dân Hà Nội và người dân Thành phố HCM không coi các CLB có tên Hà Nội, có tên Sài Gòn là của họ. Họ chỉ coi đó là CLB của doanh nghiệp ở trên địa bàn mà thôi!
Còn SLNA thì dẫu có ghép với tên doanh nghiệp hay không ghép thì dân Nghệ tại đất Nghệ hay là "Nghệ kiều" khắp cả nước đều coi đó là CLB "của nhà choa". Chả thế mà trên các sân cỏ cả nước, dẫu ở đâu khi SLNA chinh chiến đều có rất đông người Nghệ đến cổ vũ cho đội bóng. Gần đây xuất hiện một băng rôn rất ấn tượng: "Chảo lửa thành Vinh giữa lòng..." khi thì Gò Đậu, khi thì Pleicu, khi thì Hà Nội... Như vậy, SLNA đích thực là CLB của tỉnh Nghệ An, của dân Nghệ An rồi.
Vào mùa giải này, SLNA đang "vào phom". Một trong những nguồn sức mạnh quan trọng của SLNA chính là tình cảm và sự quan tâm đáng trân trọng đó của dân Nghệ dành cho CLB " của nhà choa".