(Baonghean.vn) - Trong tín ngưỡng nông nhiệp của người Khơ Mú ở các huyện miền Tây Nghệ An, cúng rẫy là một trong những lễ cúng ngoài trời lớn nhất. Đây là phong tục cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh cho nương rẫy được mùa, cho lúa, ngô đầy kho, cuộc sống đủ đầy.

images1745721_1__1_.jpgC5 hay còn gọi là chòi bên các nương lúa, là nơi diễn ra lễ cúng. Đối với đồng bào Khơ mú và một số đồng bào thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ, C5 được xem là ngôi nhà thứ hai của họ, đồng bào sẽ sống và sinh hoạt tại đây cho hết mùa nương rẫy mới trở về bản.
Để chuẩn bị cho lễ cúng rẫy, người dân dựng lên hai giàn cúng. Nếu giàn trên cao tượng trưng cho chúa trời (Pí Phá, Chàu Phá), thì giàn thấp hơn là nơi thờ cúng thần linh, thần núi, rừng, khe suối, nương rẫy (Pí Pu, Pí Pà, …)
Trên hai giàn cúng là biểu tượng cho sự hợp nhất giữa trời và đất, với quan niệm đất trời thuận hòa thì mùa màng mới bội thu.
Tại giàn thờ trên như trong ảnh, đồng bào dâng lên của cải vật chất, các đồ dùng thể hiện sự sung túc đủ đầy, như: trang phục, đồ trang sức, tiền bạc… Tại giàn thờ dưới thường là đồ ăn, sản vật do chính gia chủ làm ra.
Trong tục cúng rẫy của đồng bào Khơ mú tại xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, giàn cúng phía trên không thể thiếu nén bạc trắng và ngà voi được làm tượng trưng bằng gỗ.
Sau công đoạn chuẩn bị hoàn tất, lễ cúng được tiến hành theo 3 bước chính và tất cả đều do thầy mo thực hiện.
Đầu tiên, thầy mo sẽ khấn và ném que 3 lần để xin, nếu 2/3 lần cả hai que đều nằm ngửa, có nghĩa là thần linh đã nhất trí, lúc đó mới được giết lợn, gà và mở vò rượu cần.
Khi gà, lợn đã được bày biện, thầy mo lại khấn mời thần linh ăn. Đây cũng là bước tiếp theo trong lễ cúng.
Bước cuối cùng trong lễ cúng, đó là bước mời rượu, cũng là bước quan trọng nhất trong lễ cúng. Trong bước này thầy mo lại tiếp tục ném que, sau 5 lần ném, hai que đều nằm ngửa có nghĩa mùa lúa này đạt năng suất cao. Theo quan niệm của đồng bào, năng suất của mùa rẫy thể hiện qua tỉ lệ ngửa hay sấp của hai que thầy mo ném, trong 5 lần xin này.
Lễ cúng rẫy của đồng bào Khơ mú được tổ chức trọn một ngày. Sau khi hoàn tất các bước trong lễ cúng, những người tham gia sẽ cùng nhau chung vui bên chum rượu cần cho đến hết ngày.
Và sau lễ cúng, cũng là lúc chị em phụ nữ bắt đầu lên nương gặt lúa. Cứ thế, lễ cúng rẫy được xem là tín ngưỡng truyền từ đời này sang đời khác của đồng bào Khơ mú, phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên, trời đất, khe suối, nương rẫy… Với họ đó là những vị thần luôn ấp ôm, che chở, giúp họ có được cuộc sống đủ đầy.

Lữ Phú

TIN LIÊN QUAN