(Baonghean.vn) - Gọi vía về ăn Tết dịp cuối năm là một sinh hoạt tinh thần phổ biến của người vùng cao, khiến không khí ngày Tết thêm phần ấm áp, linh thiêng.

Năm nay tròn 55, vừa bước vào tuổi có thể nhập hội người cao tuổi nhưng bà Vi Thị Dung (Chi Khê – Con Cuông) mới tập tành nghề mo. Chỉ còn 3 ngày nữa là đêm giao thừa, bà tổ chức lễ gọi vía con cháu về ăn Tết. Gọi vía là bài tập đầu tiên của một thầy cúng và cũng là lần đầu tiên bà Dung làm lễ này cho gia đình anh con trai trưởng. Năm nay, gia đình anh con trai có thêm thành viên mới là một cô bé bụ bẫm, kháu khỉnh nên lễ gọi vía càng có ý nghĩa quan trọng.

Trong quan niệm tâm linh của nhiều cộng đồng vùng cao, trước khi thành mo, người tập sự nhất thiết phải học trước một bài cúng vía. Gọi vía về ăn Tết thường là bài cúng đầu tiên được những người mới học việc lựa chọn. Đây là bài vỡ lòng dễ học nhất. Người truyền thụ thường là một thầy mo có tiếng trong vùng nhưng bà Dung đã học những bài cúng từ trước đây khá lâu qua những lần nghe người già trong bản gọi vía.

Thế nhưng, dịp để được nghe bài cúng gọi vía chỉ có thể học vào dịp cuối năm khi các thầy cúng có tiếng làm lễ cúng vía trong gia đình. Vì vậy phải mất khá nhiều năm và hỏi thêm các thầy cúng là người già trong bản bà mới nhớ hết được bài cúng. Đến Tết Đinh Dậu này, khi cảm thấy tự tin với khả năng của mình, bà mới tự tổ chức lễ cho gia đình mình.

Lễ cúng vía ngày tết của người Thái vùng cao Nghệ An. Ảnh: Bun My

Vì bận lo cho cái tết nên lễ gọi vía cuối năm bị nhiều người xem nhẹ, chuẩn bị vội vã. Còn với bà mo tập sự này đã chuẩn bị khá kỹ. Trước đó cả tháng trời, con gà sống đẹp nhất trong chuồng đã được lựa chọn. Bà Dung quan niệm, với lễ gọi vía đầu tiên cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự chỉn chu còn thể hiện lòng thành tâm của mình với các đối tượng tâm linh đó là hồn vía của con cháu bà. Nhất là trong nhà vừa có một đứa trẻ mới sinh ra, có thể hồn vía của nó còn lang thang đâu đó chưa về nhà trong cái Tết đầu đời của mình. Tất nhiên bà cũng hiểu rằng, lễ cúng vía chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần nhưng cũng rất quan trọng khi năm hết Tết đến.

Trong quan niệm của bản làng, hồn vía cũng quan trọng như thể xác con người, có được chăm sóc, quan tâm chu đáo thì nó mới khỏe mạnh. Hồn vía khỏe mạnh, thể xác mới bình an. Trong cuộc sống một con người có rất nhiều vía. Trong bài cúng người Thái có câu hú gọi 30 vía chỏm tóc, chín trăm vía đầu. Đó là câu cúng mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là để nói lên số lượng. Trong quan niệm người Thái, mỗi bộ phận trên cơ thể con người đều có một hồn vía. Trong cuộc mưu sinh lên rừng, xuống biển, đi xa, đi gần làm ăn, học hành, chơi đùa có thể một phần vía nào đó đang đi lạc. Lễ này nhằm gọi tất cả hồn vía trên cơ thể của mọi người trong nhà về cùng vui Tết.

Trong không khí bản làng buổi chiều ngày cuối năm, đâu đó thấp thoáng bóng những bà mo đứng ở các ngã rẽ trong bản gọi vía cho con cháu là một hình ảnh thường gặp ở vùng cao. Nó khiến không khí ngày cuối năm như ấm áp hơn và cũng vì thế mà không kém phần linh thiêng, trang trọng. Sau lễ gọi vía ngoài trời, buổi lễ cúng nữa được tổ chức trong nhà để mời vía ăn cơm. Với bà Dung, trong lần đầu tiên tổ chức gọi vía cho con cháu sẽ là một gạch nối giúp bà trưởng thành hơn để đảm nhận công việc tâm linh trong cộng đồng. Còn với những đứa trẻ, khi chúng lớn lên lễ gọi vía cuối năm sẽ dần thành những ký ức đẹp về những cái Tết dưới thời thơ ấu.

Với nhiều gia đình, lễ gọi vía cuối năm đang dần trở nên thưa thớt trong đời sống tinh thần những dịp cuối năm. Họ là những gia đình hạt nhân chỉ có một vợ một chồng, phải gửi con cái lại cho ông bà nội ngoại trông giúp để đi làm ăn xa, sát ngày đón giao thừa mới trở về nhà. Họ không kịp tổ chức lễ gọi vía cho con cháu mà vội vã đi sắm tết. Đó là một điều bình thường trong cuộc sống hiện đại. Nhưng nó khiến bầu không khí ngày tết vùng cao thiêu thiếu một điều gì đó.

Bun My

TIN LIÊN QUAN