(Baonghean.vn) - Những ngày này, nương rẫy của đồng bào người Thái bắt đầu gieo trỉa, đây cũng là lúc bà con trong bản, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều về quần tụ tại lán thờ chung của bản để cùng nhau làm mâm cỗ cúng dâng lên thần bản.

Với mong muốn cho mưa thuận gió hòa, cho nước đầy đồng, cho trâu bò nhiều thêm, gà lợn đầy chuồng, thóc lúa đầy kho...

Clip đồng bào Thái ở Na Loi (Kỳ Sơn) cúng thần bản:

Cúng thần bản, thần mường hay còn gọi là “Chằm Phí bàn, phí mương”, là phong tục truyền thống có từ khá lâu đời, thể hiện nét văn hóa tâm linh của người Thái. Địa điểm để tổ chức lễ cúng là bên các gốc cây cổ thụ mọc ở đầu bản, vì theo quan niệm của người Thái thì những gốc cây này là nơi cư ngụ của các vị thần linh, là nhà của tất cả các loại ma. Vì vậy, người Thái thường lập lên các gian thờ để có điểm cúng bái chung.

Địa điểm tổ chức lễ cúng là bên các gốc cây cổ thụ mọc ở đầu bản. Ảnh: Lữ Phú

Người được chọn để thực hiện nghi thức cúng bái là các cụ cao niên, người có uy tín trong bản. Đây là người sẽ đại diện cho toàn thể người dân trong bản đứng ra mời các vị thần về ăn uống, gọi là “mó sơ”.

Ông Lữ Xén Bún, một thầy cúng cho biết: Trong lời cúng thần bản của người Thái ta thì có nhiều bước, tuy nhiên có 3 bước chính. Thứ nhất là phải xin, phải gọi tất cả các vị thần về, rồi mới đến phần mời ăn, mời uống rượu cần. Kết thúc phải gieo quẻ bằng 2 que tre, nếu cả 3 lần gieo thấy cả 3 lần đều có một cái sấp, một ngửa, thì có nghĩa các vị thần linh đã được ăn, được uống no đủ, và đã đồng ý với lễ cúng.

Lễ vật dâng cúng thần bản là những sản vật nông nghiệp do chính người dân tự sản xuất, chăn nuôi, trong đó các vật nuôi phải là con trống, con đực, đây là quy định bắt buộc. Ảnh: Lữ Phú

Thần bản, thần mường, hay còn gọi là thần hoàng làng có nhiệm vụ bảo vệ, cai quản bản làng của người Thái, tránh khỏi các bệnh dịch, thiên tai hỏa hoạn, và mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người dân trong bản. Vì vậy, lễ vật để cúng thần bản là những sản vật nông nghiệp do chính tay người dân tự sản xuất, chăn nuôi. Bao gồm các sính vật như gà, lợn, xôi, và không thể thiếu rượu cần, tùy theo điều kiện của từng gia đình để góp cúng. Nếu năm chẵn và có điều kiện hơn thì cả bản góp chung một con trâu hoặc bò, nhưng phải là con trống, con đực, đây là bắt buộc chung.

Kết thúc nghi thức cúng, người dân trong bản cùng thụ lộc và sum vầy bên chum rượu cần. Ảnh: Lữ Phú

Ông Lương Văn Nèn, Phó Chủ tịch UBND xã Na Loi, Kỳ Sơn chia sẻ thêm: Phong tục cúng ma làng hàng năm thường được tổ chức vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 của ta. Đây là phong tục vẫn được đồng bào duy trì hàng năm và là nét văn hóa riêng có, cũng qua đây tạo sự đoàn kết trong cộng đồng người Thái./.

Lữ Phú

TIN LIÊN QUAN