(Baonghean) - Tạo cho mình được sân chơi, hay để mang âm nhạc đến gần với đời sống chính là điều mà những ban nhạc không chuyên có ảnh hưởng hiện nay của thành phố Vinh đang ấp ủ.
Tôi có dịp được nghe ban nhạc Bossa band của Trương Xuân Thủy chơi bản hòa tấu Besame mucho trong quán cà phê thành cổ vào một ngày mưa. Trong không gian rì rầm bởi tiếng mưa, chỉ có khoảng 10 người khách đến để thưởng thức chương trình, và họ như được sống lại cảm giác của tuổi trẻ, của thời thanh xuân sôi nổi, và trong khoảnh khắc của những thanh âm đó, người chơi nhạc và người thưởng thức như là một, như cùng rung một tần số âm thanh, cùng hòa chung một dòng cảm xúc.
Khi tôi hỏi Thủy rằng các anh có phải là những người tốt nghiệp âm nhạc khoa nhạc cụ của một trường đào tạo âm nhạc nào đó không? Thủy trả lời: “Nhóm Bossa band có 4 thành viên thì cả 4 thành viên là những tay ngang về chuyên môn nhạc cụ, thích thì tập cùng nhau. Rồi lâu dần bạn bè biết đến mời diễn ở các sự kiện các chương trình để trình diễn các bản hòa tấu hoặc đệm đàn cho các ca sỹ đến hát tại phòng trà”.
Trong số rất nhiều học sinh của Thủy là những thành viên quen biết anh qua mạng xã hội vì phục ngón đàn điêu luyện của anh nên muốn được anh dạy dỗ và truyền lửa đam mê. Đến nay, học sinh của anh có khắp 5 châu, họ là Việt kiều, là những sinh viên phương Tây và học theo giáo trình của anh qua skyblue (thiết bị truyền tải âm thanh và hình ảnh qua mạng), cả những mẹo vặt về cách “bỏ nhỏ”, “đi dây” của Thủy để mong có ngày “được như thầy”. Hiện ban nhạc của Thủy thực sự là ban nhạc có tiếng vì những người nghiệp dư giàu đam mê này có phong thái làm việc rất chuyên nghiệp. Nên không lạ gì nếu ở một sự kiện, một party nào đó ta gặp những bản hòa tấu nghe như dàn nhạc dây của ban nhạc chuyên nghiệp như Eros rain, Autumn leaves của các nhà soạn nhạc vĩ đại trên thế giới, được những tay đàn nghiệp dư thành phố Vinh trình diễn rất “đã tai”. |
Nói về những ban nhạc không chuyên thành phố Vinh không ai không biết đến cặp vợ chồng trẻ Hoàng Sơn, Phương Linh với Công ty đàn Piano của Phương Linh và nhóm nhạc Army Pub của anh Hoàng Sơn - chồng chị. Sự gặp gỡ của cặp vợ chồng này cũng đến từ cơ duyên âm nhạc và ban nhạc của anh chị cũng tập hợp những thành viên đến từ các ngành nghề khác nhau như Cảnh Hoàng - kiến trúc sư chơi trống, Hoàng Lưu vừa tốt nghiệp đại học kinh tế Huế chơi ghita bass, Thái Phú lại là một HLV thể hình có giọng hát bolerro khủng.
Còn Phương Linh đa tài trong ban nhạc lại một keeboat chị cũng là một ca sỹ với giọng hát nữ trung từng lọt vào vòng chung khảo Ido 2012, chị cũng từng là người được mời tham dự giọng hát hay châu Á. Ấy nhưng chị chưa từng học qua một trường lớp âm nhạc chuyên nghiệp nào, chỉ là đam mê nên từ nhỏ bố mẹ đã hướng cho con tìm đến với cây đàn để con nói được tiếng lòng bằng cách tự sự với những phím trắng đen. Về sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, đã có lúc Linh định chuyển hướng, để chỉ xem âm nhạc là nghề tay trái “mình thích thì mình chơi, mình thích thì mình hát”…
Ban nhạc Hoàng Sơn, Phương Linh hòa vào dòng chảy âm nhạc đương đại với những màu sắc đa dạng thế, đời sống thế nhưng cũng vô cùng chuyên nghiệp. Bởi ngoài những chương trình âm nhạc mà ban nhạc Arm Pub được các quán cà phê ký hợp đồng biểu diễn hàng tuần vào tối thứ Bảy thì các chương trình thiện nguyện và những sự kiện âm nhạc nếu không có Arm Pub không có màu sắc của blue zazz, và những bản tình ca trữ tình pop ballat của Arm Pub thì xem như không thành công, không tạo được những hiệu ứng nhất định.
Còn phải kể đến những ban nhạc không chuyên nhưng đang biểu diễn và hoạt động hết sức chuyên nghiệp khác trên địa bàn thành phố như ban nhạc Sonata, ban nhạc trẻ Trường Đại học Vinh. Các ban nhạc này cũng là những người cố gắng tạo ra cho mình được những không gian có tính chuyên nghiệp, không gian mà người chơi và người cảm thụ tìm được dòng xúc cảm chung, và ở đó người nghe, người thưởng thức được tìm thấy không gian nghe nhạc chuyên nghiệp nhất. Thế nhưng các ban nhạc này vẫn muốn có được những tụ điểm biểu diễn chuyên nghiệp thực thụ bởi theo họ không phải quán cà phê nào cũng muốn ký hợp đồng lâu dài, không phải thời điểm nào trong năm cũng có chương trình giao lưu thiện nguyện để tạo sân chơi cho họ.
Chương trình âm nhạc quy tụ nhiều ban nhạc như “Biển và tôi” được các nhà báo và các nhóm nhạc trên thành phố đồng tổ chức vào cuối tháng Bảy vừa qua là cơ hội để những người chơi với âm thanh ở thành Vinh được thể hiện, được “so găng” và khán giả cũng được mãn nhĩ với âm thanh chuyên nghiệp, âm nhạc giàu tính thưởng thức.
Hoàng Sơn trưởng nhóm nhạc Arm Pub cho biết: “Việc có được những chương trình mà chủ thể là các ban nhạc được lên ngôi như “Biển và tôi” trong thời gian qua là không nhiều vì thế anh em chỉ biết lấy ngắn nuôi dài đi “chơi” cho các quán cà phê hay các even nếu họ mời, hoặc nhiều khi tụ tập lại chỉ để đánh chơi, tự tán thưởng; nên rất mong có được một sân chơi giàu tính chuyên nghiệp như ở các thành phố lớn”. |
Cũng theo Hoàng Sơn tới đây anh và ban nhạc sẽ cố gắng tự tạo ra những không gian cho mình bằng cách sẽ tự tổ chức sân khấu chỉ để trình diễn những bản nhạc, những tác phẩm của ban, hàng tuần và sẽ thu hút khán giả bằng nét riêng mà Army Pub đang xây dựng. Và nhóm sẽ tổ chức đêm diễn kỷ niệm sinh nhật cũng chỉ để cho anh em trong ban có cơ hội được tỏa sáng, được thể hiện và cháy hết mình.
Còn đối với Xuân Thủy - trưởng nhón Bossa band thì ước mơ mà anh ấp ủ là có được một tụ điểm, một không gian nhạc xưa do chính anh xây dựng, lúc đó ban sẽ có cơ hội được trình diễn rất nhiều, và ai muốn được nghe tiếng đàn và được đắm chìm trong không gian âm nhạc xưa đến với không gian của Thủy sẽ có được điều đó.
Những ấp ủ này đã được quán cà phê Sotana biến thành hiện thực khi họ quy tụ được nhiều ban nhạc của thành phố, chuyên nghiệp có, không chuyên có, nhưng để quy tụ được tất cả thì bản thân quán cũng không kham nổi. Chủ quán Nguyễn Thị Thơm cho biết: “Ngoài một ban nhạc chính mà quán hợp đồng lâu năm thì đa số chỉ hợp đồng với vài ca sỹ tên tuổi hoặc ca sỹ không chuyên nhưng có ảnh hưởng và có giọng hát tốt, chứ nếu để quy tụ được nhiều nhóm nhạc thì quả thật rất khó cả về mặt kinh phí cũng như khâu tổ chức “lên gu” cho âm nhạc của quán”.
Vì thế việc để tạo cho mình được sân chơi, hay để mang âm nhạc đến gần với đời sống chính là điều mà những ban nhạc không chuyên có ảnh hưởng hiện nay của thành phố đang ấp ủ. Và điều họ kỳ vọng là mang được những bản nhạc mang âm thanh đời sống nhất đến với những người yêu nhạc thành Vinh.
Thanh Nga