(Baonghean.vn) – Hai người con trai phải cải trang thành con gái rồi đi đến những ngôi nhà trong bản để xin lộc, cầu may cho gia đình mình làm ăn khấm khá, phát đạt. Đây là một phong tục thú vị trong lễ mừng nhà mới của đồng bào Khơ mú ở xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

images1813893_1__1_.jpgNgôi nhà là tài sản và là một không gian đặc biệt nên lễ mừng nhà mới trở thành nghi lễ quan trọng trong cộng đồng người Khơ mú. Trong cộng đồng, hễ có lễ mừng nhà mới là niềm vui của cả bản. Trong một chuyến đến với bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu chúng tôi có dịp chứng kiến lễ mừng nhà mới của một người dân trong bản. Ảnh: Hồ Phương.
Trong lễ mừng nhà mới của người Khơ mú ở xã Keng Đu có rất nhiều nghi lễ. Có phần lễ được làm rất bài bản, công phu và phần hội cũng rất sôi động. Ảnh: Hồ Phương.
Gian bếp là nơi quan trọng nhất trong ngôi nhà của đồng bào Khơ mú. Trong gian này có 2 bếp lửa, một cái chuyên việc nấu nướng hàng ngày, cái còn lại gọi là “bếp chủ”. Đây là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng trong ngày lễ tết, lễ mừng nhà mới, làm vía... Chỉ có những người trong gia đình được ngồi vào gian bếp này. Không gian này kiêng kỵ đối với khách, con rể, thậm chí con gái đã lập gia đình cũng không được bén mảng. Người Khơ mú quan niệm con rể là khách, con gái khi đã đi lấy chồng cũng đã thành người khác họ nên không được ngồi vào căn bếp “chủ nhà” nữa. Ảnh: Hữu Vi.
Trong lễ mừng nhà mới của người Khơ mú không thể thiếu tiếng cồng chiêng, tiếng trống. Ảnh: Hữu Vi.
Mọi người cùng nhau nhảy múa, ca hát trong ngôi nhà mới của gia chủ. Ảnh: Hữu Vi.
Nghi lễ kỳ lạ nhất và cũng rất hấp dẫn trong đám mừng nhà mới là màn trai giả gái cùng những người lớn, trẻ nhỏ gõ chiêng đến từng nhà trong bản để “xin lộc”. Chủ nhà cho gì thì nhận nấy. Có thể là một mớ rau, bắp ngô, trái ớt cay, chút muối... Ảnh: Hồ Phương.
2 nam thanh niên trong bản mặc trang phục truyền thống của phụ nữ Khơ mú. Họ "diện" váy, áo và đội khăn. Một người cầm theo chiếc phèng la vừa đi vừa gõ, đến nhà ai đó thì hô lên: “Xin quà!”. Ảnh: Hồ Phương.
Trong đoàn có một em bé mang gùi trên lưng và quà sẽ được cho vào chiếc gùi đó. Mỗi khi được quà, người ta lại reo hò vui sướng. Ảnh: Hữu Vi.
Những hồi chiêng lại vang lên theo nhịp bước của đoàn người kéo từ nhà này đến nhà khác. Mỗi khi người nhà chậm cho quà, đám trẻ lại giả bộ la ó để “vòi”. Đây chỉ là một hoạt động mang biểu tượng để cuộc vui thêm phần hoạt náo chứ người ta không quan trọng là sẽ nhận được quà gì. Ảnh: Hữu Vi.
Sau khi đi khắp lượt mọi nhà trong bản, đoàn “hành khất” trở về mang theo những gì xin được giao lại cho gia chủ. Đây là nghi lễ cuối cùng của lễ mừng nhà mới. Sau đó dân bản lại trở về với hội rượu cần. Ảnh: Hồ Phương.

Phương - Vi 

TIN LIÊN QUAN