(Baonghean.vn) - Chợ Ú (xã Đại Sơn, Đô Lương) là một trong những điểm mua bán trâu bò lớn nhất cả nước. Cứ mỗi tháng đều đặn diễn ra 6 lần, phiên chợ đã tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân, trong đó có những người làm nghề dắt thuê trâu bò.
Chợ Ú hình thành từ thập niên 60 của thế kỷ trước và nhanh chóng phát triển. Những năm cao điểm, hàng nghìn trâu bò tại phiên chợ này được bán đi khắp nơi, thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài. Chợ Ú họp 6 phiên mỗi tháng, vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch. Phiên chợ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình ở xã Đại Sơn cũng như các địa phương lân cận, trong đó có đội ngũ không nhỏ chuyên làm nghề dắt thuê trâu bò. Chợ diễn ra từ khoảng 4h sáng đến tầm 10h trưa. Hàng chục người làm nghề dắt trâu thuê đã có mặt tại chợ từ lúc còn sớm. Tùy thuộc vào quãng đường dài hay ngắn, mỗi con sẽ được lái buôn trả công nhất định. Trong đội ngũ chuyên dắt trâu bò thuê, có không ít trẻ em trên địa bàn. "Có những con bò rất khó dắt. Nhà nghèo nên em đi làm kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình", em Nguyễn Lâm Chiến (13 tuổi) nói. Mỗi ngày may mắn, Chiến có thể kiếm được khoảng 50.000 đồng từ công việc này. Hoàng Vinh Anh (13 tuổi) kể rằng gần 4h sáng, em cùng đám bạn ở xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) đã có mặt ở chợ để chờ thương lái thuê, thậm chí có em còn đến từ buổi tối hôm trước. Trong số hơn chục đứa trẻ làm nghề dắt trâu bò ở chợ Ú, có những em tranh thủ đi một chuyến xong về tắm rửa để kịp đi học vào buổi sáng nhưng cũng có em bỏ học để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Tiền công dắt thuê mỗi con trâu bò, bất kỳ lớn hay nhỏ đều như nhau. Gần thì 5.000 đồng, còn sang xã khác thì vài chục nghìn đồng. Những năm gần đây nhiều xe tự chế và cả xe tải nhỏ cũng tham gia chuyên chở bò khiến đội ngũ dắt thuê ở chợ Ú không dễ dàng kiếm được việc. Xe tải vận chuyển trâu bò nhanh, thuận tiện. Vì vậy, hiện nay người dắt trâu bò thuê chỉ có việc khi thương lái cần đưa trâu bò đến những địa điểm gần hoặc chăn dắt trong lúc chờ xe đến đưa đi. "Trước có nhiều em bỏ học ra chợ Ú dắt thuê trâu bò, nhưng chính quyền đã tuyên truyền, vận động đến từng nhà để các em tiếp tục đi học. Hiện nay ở chợ Ú chỉ còn có khoảng 10 em nhỏ từ xã Nghi Văn và một số địa phương khác đến làm nghề này, còn lại là người lớn", ông Đặng Văn Toàn - Chủ tịch xã Đại Sơn cho hay. Mỗi phiên chợ có khoảng 1.200 con trâu bò được bán ra. Nhiều thương lái sau khi thuê người dắt trâu bò ra chợ bán nhưng chờ cả buổi không ai mua, lại phải thuê những người này dắt trâu về. "Nghĩ thì đơn giản nhưng để khống chế được những con trâu 'táo nết' không phải chuyện dễ. Có nhiều hôm đi dắt trâu hàng chục km, bàn tay em phồng rộp, đau mấy ngày", Nguyễn Thế Thắng, một trong những em nhỏ làm nghề dắt trâu thuê ở chợ Ú chia sẻ. Chu Thanh