Độc đáo món bánh tưởng nhớ nghĩa quân Lê Lợi của đồng bào dân tộc Thái
(Baonghean.vn) - Hàng năm đến ngày 20 tháng 8 âm lịch, người dân xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ lại tưng bừng đón Tết Bươn Xao. Từ bao đời nay, Tết Bươn Xao đã là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của bà con người Thái sống dưới chân Pù Pán.
19/09/2019 - 19:03
Theo bà con người Thái ở Tiên Kỳ, "Bươn Xao" có nghĩa là Tết vào ngày 20 tháng 8. Tết này, có nguồn gốc từ truyền thống uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ mẫu và lịch sử đấu tranh giữ nước ở của địa phương. Trong ngày Tết Bươn Xao, có một món ăn không thể thiếu là món moọc . Dịp này, nhà nhà thi nhau gói moọc, nấu moọc để chuẩn bị Tết. Bánh moọc làm nên từ lá dong, gạo nếp, thịt, rau rừng... là món ăn truyền thống có từ lâu đời của người Thái. Tương truyền bánh moọc còn là vật phẩm mà người dân địa phương đã dùng để khao quân của Lê Lợi trong kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV. Theo lịch sử, nghĩa quân của Lê Lợi đã dừng chân tại Pù Pán khoảng 2 tháng để tuyển quân, luyện tập binh sĩ . Với bà con người Thái ở Tiên Kỳ, bánh moọc là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Bươn Xao. Đây là vật phẩm để cúng thần linh và là một món ăn đặc biệt trên mâm cỗ ngày Tết. Trong ngày Tết Bươn Xao, chị em phụ nữ người Thái thường ăn vận những bộ trang phục đẹp nhất thể hiện đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Một cụ già người Thái, răng đen hạt huyền rạng rỡ trong trang phục truyền thống khi tham dự ngày Tết Bươn Xao. Để tưởng nhớ công đức của tiền nhân, trong ngày Tết Bươn Xao, bà con người Thái thường tổ chức lễ cúng gia tiên ở các gia đình và tại nhà thờ các dòng họ. Nhằm tri ân công lao đánh giặc giữ nước của nghĩa quân Lê Lợi và thể hiện niềm tự hào về truyền thống của quê hương, trong ngày lễ này, người dân địa phương còn long trọng tổ chức nhiều hoạt động lễ hội có ý nghĩa, đặc biệt là lễ rước Thần lên đỉnh Pù Pán, nơi có di tích thành Lê Lợi. Mỗi dịp đến Tết Bươn Xao, bà con người Thái ở Tiên Kỳ lại tưng bừng mở hội chiêng, trống. Những gia đình có dàn chiêng, trống đều dựng bên hiên nhà để mọi người đến chung vui. Cũng như trong những ngày lễ, tết long trọng khác, ngày Tết Bươn Xao không thể thiếu các điệu múa sạp, gõ khắc luống, hát dân ca Thái với những làn điệu, suối, nhăm mượt mà, cuốn hút. Ngày Tết Bươn Xao đã đi vào tâm thức của bà con người Thái ở Tiên Kỳ như là một ngày lễ cổ truyền quan trọng nhất trong năm, mang nét đẹp riêng trong văn hóa truyền thống của người Thái quần cư dưới chân Pù Pán.