(Baonghean.vn) - Nằm trong quần thể Núi Gám - Sông Dinh (huyện Yên Thành), Di tích văn hóa lịch sử chùa Gám là một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo, mang tính nghệ thuật độc đáo về nét đẹp văn hóa cổ.

Theo các tài liệu, hiện vật, những sự kiện lịch sử còn lưu giữ cho thấy Chùa được xây dựng vào thời Trần, thuộc phái Trúc Lâm - một dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, là Phật giáo chính thức của Đại Việt.
Theo các tài liệu, hiện vật, những sự kiện lịch sử còn lưu giữ cho thấy chùa Gám được xây dựng vào thời Trần, thuộc phái Trúc Lâm - một dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, là Phật giáo chính thức của Đại Việt.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, chùa đang từng bước được trùng tu tôn tạo uy nghi bề thế, nhằm gìn giữ giá trị văn hóa mà cha ông xưa đã dày công tạo dựng, làm phong phú thêm nét đẹp văn hoá của quê hương xứ Nghệ.
Chùa Gám xưa còn có tên gọi là Chí Linh Tự, bao gồm đầy đủ các công trình kiến trúc cổ. Nhà bái đường, được làm 5 gian bằng gỗ lim, liên kết với nhau bằng các sàm mộng chắc khít.
Một nét nghệ thuật khá độc đáo ở đây là hệ thống mảng chạm khắc ở những ván gió phía trước, kéo dài suốt 5 gian là các mảng chạm lỗng với nhiều hình nổi cao thấp, gồm mô típ hoa văn trang trí khác nhau. Nổi bật là hình tượng tứ linh ( Long - Ly - Quy - Phượng) được nổi lên bởi những hoa văn họa tiết diễn tả cảnh “ Trúc Lâm thất hiền”, “ Nam sơn tứ hải”, “Sỹ - nông - công thương” bằng các đường nét mềm mại thanh bình.
Riêng ở gian giữa được chạm khắc các hình rồng nổi, cuộn vào nhau, phía dưới được các nghệ nhân khéo léo đưa vào các hình tượng chạm khắc như: Lưỡng long chầu nguyệt, xen kẽ với hình tượng Phượng hàm thư, cá Chép hóa Rồng ...
Với nghệ thuật chạm bong bênh, các con vật linh thiêng được thể hiện rất sống động, tỉ mỉ, mềm mại, uyển chuyển, khỏe khoắn với các đề tài được trang trí khá cân đối, tạo được sự gần gũi giữa thiên nhiên với con người. Qua đó mới thấy được những bàn tay tài ba với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của những nghệ nhân xưa, như muốn gửi gắn vào di sản văn hoá vật thể về truyền thống văn hoá của cha ông cho muôn đời hậu thế.
Sư thầy Thích Tuệ Minh - Phó trụ trì chùa Gám (Xuân Thành) cho biết: Tất cả các hoa văn, họa tiết trên phần gỗ đều toát lên tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống của dân tộc Việt, đó là: Thanh cao, tinh khiết, thủy chung, thuần hậu, kiên cường và tâm hồn hướng thiện, hướng thượng, hiếu mỹ, lạc quan để có một cuộc sống thanh bình.
Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, dù cho chiến tranh giặc giã, dù cho cơ chế đổi thay và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, với ý thức của người dân, kiến trúc nghệ thuật nguyên sơ ở chùa vẫn được bảo tồn gìn giữ, gắn liền với những chứng tích lịch sử của đất và người Kẻ Gám.

    Thái Dương

TIN LIÊN QUAN