(Baonghean) Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi đã có mặt tại Hữu Kiệm, là một xã thuần nông của huyện miền núi cao Kỳ Sơn. Vừa thu hoạch một vụ mùa bội thu, trên gương mặt mỗi người dân nơi đây đều toát lên một niềm vui tươi phấn khởi.

Được biết, trong vụ đông xuân và hè thu vừa qua, Uỷ ban xã đã cấp hơn 1.000 kg giống lúa lai, 3.950 kg giống ngô lai, cho bà con sản xuất. Thế mới biết, trong niềm vui được mùa, ngoài sự phấn khởi của mỗi người dân còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính quyền địa phương nơi đây, bởi họ hiểu rằng rồi đây, bà con mình sẽ không còn phải lo cái đói mỗi khi vào mùa giáp hạt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Kha Văn Quyên - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: Với đặc thù của một xã miền núi cao, thuần nông nghiệp nên cán bộ và nhân dân xã xác định phải lấy phát triển nông – lâm làm đầu. Trong nông nghiệp, ngoài trồng trọt, thì chăn nuôi cũng được các hộ gia đình chú trọng phát triển.

Hiện, trên toàn xã tổng đàn bò đã có 1.820 con, trâu 200 con, lợn 545 con... Trong phát triển lâm nghiệp, với hơn 6.000 ha rừng đầu nguồn, thực hiện  Nghị quyết 147/QĐ của Chính phủ, xã đã chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch đất trồng rừng và tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ rừng, công tác PCCCR tới tận từng gia đình ở 8/8 thôn bản. Uỷ ban xã còn hướng dẫn bà con xây dựng một số mô hình chuyển đổi canh tác, bước đầu đã cho kết quả như: mô hình nương rẫy sang canh tác nông – lâm kết hợp.

Ngoài ra, để tận dụng thời gian nông nhàn, huyện và xã cũng đã đem một số mô hình sản xuất đồ thủ công về hướng dẫn cho bà con. Đến nay ở bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ đang phát triển nghề đan ghế, mâm mây, tạo công ăn việc làm cho trên 40 lao động địa phương. Nghề khai thác cát, sỏi cũng tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với mức lương 1 triệu đồng đến 1triệu 500 ngàn đồng/tháng.

Ông Lữ Văn Lâm - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Có được như hôm nay, ngoài sự quan tâm của các cấp, ban, ngành liên quan, sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, còn bởi chúng tôi thường xuyên học và làm theo báo Đảng. Tất cả 13 chi bộ đều có báo Nghệ An, xem đây là một trong những tài liệu không thể thiếu trong các cuộc sinh hoạt. Qua báo Nghệ An chúng tôi nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh để triển khai ở cơ sở, học hỏi được nhiều mô hình kinh tế với những cách làm hay hiệu quả... Chính vì vậy, chúng tôi xác định thiếu báo gì chứ không thể thiếu Báo Nghệ An.

Ông Lâm còn cho biết: Trong xây dựng nông thôn mới, để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cần đến một quỹ đất lớn, trong khi với địa hình đồi núi, diện tích hẹp, Hữu Kiệm gặp không ít khó khăn. Người dân lại quen với việc được hưởng tiền đền bù khi có công trình nằm trên phần đất của mình, vì vậy việc vận động để người dân hiến đất hết sức khó khăn.

Trước thực tế đó, lãnh đạo xã cùng nhau thống nhất phương án tập hợp các bài viết trên báo Nghệ An phản ánh việc người người dân các địa phương khác thi nhau hiến đất làm đường, xây trường để phát trên loa truyền thanh tại các bản. Kế hoạch tuy đơn giản, không phải mất công đi tới tận hộ gia đình vận động vậy mà hiệu quả thấy rõ. Một số hộ gia đình ngay sau đó đã tự nguyện viết đơn xin được hiến đất mà không hề thắc mắc. Đơn cử như hộ anh Lô Văn Vĩnh ở bản Na Chảo đã hiến trên 1.000 m2 đất trồng ngô lâu nay để xã làm nhà văn hóa và một sân thể thao.

778410_small_77727.jpg

Anh Lô Văn Vĩnh (bản Na Chảo, huyện Kỳ Sơn) đã hiến trên 1.000 m2 đất trồng ngô để xã làm nhà văn hóa và sân thể thao.

Gặp chúng tôi, anh Vĩnh phấn khởi: "Nghe loa phát thanh đọc bài trên báo Nghệ An thấy tại các địa phương khác bà con tự nguyện hiến đất, nên mình cũng làm theo thôi. Vì báo nói hiến đất cũng là để xây dựng các công trình phục vụ cuộc sống sinh hoạt của chính bà con mình cả mà ".

Không dừng lại ở đó, nhờ những thông tin tuyên truyền kịp thời trên báo Nghệ An mà bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, xã còn rất quan tâm tới lĩnh vực văn hoá – xã hội. Năm học vừa qua, giáo dục mầm non đạt 100% kế hoạch học sinh đến trường đúng độ tuổi, được cân đo theo dõi sức khỏe hàng tháng, hàng quý. Công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được tiến hành thường xuyên, với các chương trình quốc gia về chăm sóc sức khoẻ như: phòng chống lao phổi, sốt rét, phòng chống HIV/AIDS. Xây dựng các CLB không sinh con thứ 3, sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 95%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư” đạt kết quả cao, có 1 khu dân cư tiên tiến, 4 làng văn hóa và 348 hộ đạt gia đình văn hoá 3 năm liên tục.

Để giúp bà con yên tâm sản xuất, công tác quốc phòng – an ninh trên địa bàn xã đã được thực hiện nghiêm túc và đảm bảo. Từ các thông tin trên báo, đã giúp Đảng ủy, UBND xã cùng toàn thể nhân dân hiểu rõ hơn những nguy cơ về diễn biến hòa bình, những âm mưu của các đối tượng xấu để tiến hành các biện pháp đối phó. Ban quân sự xã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xây dựng làng, xã chiến đấu, duy trì số dân quân tự vệ. Ban công an xã tổ chức tốt phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ", với sự tham gia tích cực của người dân trên địa bàn.  

Với những gì đã làm được của Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân Hữu Kiệm, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Hữu Kiệm sẽ phát triển trong nay mai.


Đặng Nguyễn