Nhiều doanh nhân nữ đã biết biến thách thức thành cơ hội, đưa doanh nghiệp vươn lên bứt phá, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng lợi nhuận.
Với bản tính thông minh, sáng tạo, cần cù, kiên nhẫn, đầy lòng nhân ái, các nữ doanh nhân Việt Nam đã đạt nhiều thành công ở lĩnh vực kinh doanh, khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong xu thế mới.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ, hàng năm các doanh nghiệp của doanh nhân nữ đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đội ngũ doanh nhân nữ đang quản lý điều hành khoảng trên 100.000 doanh nghiệp, có quy mô vừa và nhỏ, gắn với các lĩnh vực sản xuất như thương mại, nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ y tế giáo dục…Đây là những lĩnh vực quan trọng và thường sử dụng nhiều lao động nữ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Do phẩm chất chịu khó, cẩn trọng, chắt chiu, chị em nữ thường có khả năng trụ vững tốt hơn, trong những năm qua tỷ lệ doanh nghiệp do chị em phụ nữ làm chủ thường bền vững hơn nam giới, tỷ lệ phải đóng cửa, ngừng hoạt động ít hơn nam giới. Chị em có khả năng trụ vững tốt hơn đặc biệt trong môi trường kinh doanh có nhiều biến động, không chỉ có vậy nhiều chị em còn vượt qua khó khăn biến thách thức thành cơ hội, thành những doanh nhân hàng dầu của Việt Nam và hàng đầu của khu vực.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đương đầu với khó khăn và với sự năng động, sáng tạo, các nữ doanh nhân đã vươn lên khẳng định vị thế của mình. Nhiều doanh nhân nữ không chỉ trụ vững trên thương trường mà còn biến thách thức thành cơ hội vươn lên bứt phá, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng lợi nhuận.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần tạo nhiều cơ hội hơn cũng như điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp hiện nay cũng đang đẩy mạnh đầu tư nguồn nhân lực chất lượng, chú trọng công tác quản trị. Doanh nghiệp sẽ hội nhập từng bước, phát triển tốt thị trường khu vực và sau đó vươn ra thế giới.
“Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam tăng cường công tác quản trị, công tác nhân sự, áp dụng khoa học công nghệ. Khi đó sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn. Tôi cho rằng, việc bố trí người cán bộ đúng người đúng việc, đúng chỗ thì hiệu suất công việc sẽ tốt hơn. Một trong những vấn đề để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp đó là nâng cao hiệu suất làm việc”, bà Hường cho biết.
Theo nữ doanh nhân - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Ninh Thị Ty, Giám đốc Công ty cổ phần may Hồ Gươm, doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu riêng cho mình tại thị trường trong nước, có như vậy mới hấp dẫn đối tác nước ngoài sang tìm hiểu và ký kết hợp đồng. Ngoài ra, nữ doanh nhân luôn tâm niệm tạo được nhiều việc làm cho người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là niềm vui, hạnh phúc của doanh nghiệp.
“Tiêu chí của các doanh nghiệp khi đầu tư sẽ có mục tiêu số 1 là lợi nhuận, nhưng đối với may Hồ Gươm, lợi nhuận đứng thứ 2, mục tiêu số 1 của doanh nghiệp là đến những vùng khó khăn chưa có doanh nghiệp nào sẵn sàng đi đến. Hiện đất nước đang hội nhập, doanh nghiệp sẽ cố gắng duy trì phát triển, xứng đáng với danh hiệu anh hùng mà nhà nước trao tặng. May Hồ Gươm sẽ cùng với các doanh nghiệp dệt may trong nước nỗ lực tìm ra những cách làm mới, hiệu quả để hội nhập thành công”, bà Ty chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong xu thế hội nhập, các nữ doanh nhân cũng phải chủ động nắm bắt thông tin, xây dựng được kế hoạch kinh doanh trong chuỗi kết nối với các doanh nghiệp khác để hội nhập thành công trong bối cảnh hiện nay./.
Theo VOV