Đó là chủ đề diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Ngoại giao tổ chức diễn ra sáng 13/12, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết: Chỉ còn 2 tuần nữa cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành (1/1/2016). Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, có 4 yếu tố cấu thành cộng đồng kinh tế AEC đó là đảm bảo tự do lưu chuyển hoàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn.
Chủ tịch VCCI nhận định, bản chất AEC không có cơ cấu chặt chẽ và không có sự tương thích nhiều. AEC là tiến trình hội nhập chứ không phải là Hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc của cộng đồng kinh tế ASEAN. Như vậy, AEC là một tiến trình và thật ra thời điểm 1/1/2016 là thời điểm tuyên bố hình thành AEC, là khởi đầu để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. Nên để xây dựng được cộng đồng kinh tế như EU thì còn cần một thời gian dài nữa.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, trong số FTA thì sự cắt giảm thuế quan trong cộng đồng kinh tế ASEAN là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác. Về tự do hàng hóa và dịch vụ thì sự cam kết cũng cao nhất. Cơ hội cho doanh nghiệp khi AEC hình thành đó là mở ra nhiều thị trường, tạo khí thế và động lực mới cho doanh nghiệp…Tuy nhiên, AEC cũng mang lại nhiều thách thức như doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn khi trình độ phát triển thấp hơn và sự phát triển lại tương đồng, dịch vụ thấp hơn, sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn.
Ông Lê Triệu Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, có 4 lý do chính để các nước tham gia hội nhập cộng đồng AEC, đó là: Mục tiêu mở rộng thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu; tạo điều kiện đầu tư; tạo việc làm và thúc đẩy cải cách trong nước theo hướng hiệu quả.
Trình bày về cộng đồng kinh tế ASEAN và sự tham gia của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Cường – Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và việc triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN trong 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn, các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.
Đối với doanh nghiệp sẽ có cơ hội chính như có môi trường kinh doanh rộng lớn và thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam; một số doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt.
Đối với người dân sẽ được hưởng thụ những lợi ích thiết thực như: Được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN;... Tuy nhiên, người dân cũng gặp một vài thách thức, nhất là phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm có tay nghề, ngay cả tại Việt Nam – ông Cường cho hay.
Nhìn chung, thông qua diễn đàn các đại biểu tham dự có thể nắm bắt và hiểu rõ tính tích cực, mức độ tác động của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) về xóa bỏ hàng rào thuế quan với thuế suất bằng 0% cho các nước thành viên, trong nhiều hiệp định thương mại khu vực (RTA) và hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP). Bên cạnh đó, các nhà chiến lược sẽ cùng hoạch định cách thức, phương pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước trong khối ASEAN thời gian tới. Trên cơ sở đó, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, mở rộng tự do hóa kinh tế với các nước thành viên, tạo thuận lợi về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN, góp phần tạo dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm Việt Nam trong tiến trình hợp tác khu vực và hội nhập quốc tế./.
Theo ĐCSVN