(Baonghean) - Ngày 8/7, hơn 100 doanh nghiệp (DN) có nợ thuế lớn trên địa bàn đã tham gia cuộc đối thoại với UBND tỉnh. Ý kiến các doanh nghiệp cho rằng ngành Thuế và các ngành chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đại diện Công ty CP tư vấn xây dựng miền Trung kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nợ đọng thuế.

Xây dựng, bất động sản nợ lớn

Cùng chung một thị trường rộng lớn, cùng chịu cảnh cạnh tranh gay gắt bình đẳng, cùng trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, tạo được việc làm cho nhiều lao động và nộp ngân sách lớn cho Nhà nước. Những doanh nghiệp đó thật đáng được các ngành các cấp tôn vinh và thật sự là những doanh nghiệp giỏi. Nhưng ngược lại, nhiều DN đã không “gặp thời”, bị ảnh hưởng từ cơ chế, chính sách, cũng có khi vin vào cơ chế, chính sách, vào suy thoái kinh tế để chây ỳ nộp thuế, nợ đọng thuế lớn. Tại hội nghị đối thoại, nhiều DN đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc, mong được tỉnh, ngành Thuế tháo gỡ. Giám đốc Xí nghiệp  2 - Công ty cầu 75  nợ thuế 4 tỷ đồng nêu ý kiến: “Hiện nay các chủ đầu tư nợ nhiều. Cầu Thạch Sơn 3,8 tỷ đồng,  cầu Bắc Ninh nợ 2 tỷ đồng,… tổng cộng Nhà nước nợ 36 tỷ đồng. Trong khi đó, là chi nhánh nên không được giãn thuế”. Cùng chung khó khăn đó, ông Hân - Chủ tịch HĐQT  Công ty CP tư vấn XD  miền Trung cho biết: “Công ty làm công trình từ 2007 - 2009 nhưng đến năm  2012 mới được thanh toán. Công ty phải vay ngân hàng 50 tỷ đồng, nhưng đến khi được thanh toán tiền lãi đã 44 tỷ đồng, tổng cộng phải trả ngân hàng  100 tỷ đồng, tiền về ngân hàng thu trước, nên vừa không có lãi, vừa không có tiền nộp thuế, khó khăn lại càng khó khăn. Nợ thuế là do ngân sách nợ. DN kiến nghị với UBND tỉnh, với Chính phủ, miễn giảm cho DN không phải nộp phạt”. Đó cũng là ý kiến của nhiều DN xây dựng khác khi làm ăn không có lãi, ngân sách nợ, lãi ngân hàng quá cao dẫn đến nợ thuế.

 Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn khách quan, thì  “Cốc mò cò xơi” là tình trạng khá phổ biến trong ngành Xây dựng cơ bản. Toàn ngành còn nợ thuế 168,4 tỷ đồng, ngoài lý do ảnh hưởng từ Nghị quyết 11 cắt giảm đầu tư công, lãi vay ngân hàng một thời gian ở mức cao, còn có nguyên nhân từ mối quan hệ thầu chính – thầu phụ. Không ít nhà thầu chính khi nhận được công trình bán cho nhà thầu phụ. Thầu chính được giãn nợ nhưng lại không thi công. Thầu phụ thi công nhưng không được giãn nợ, không được thanh toán từ thầu chính, khiến thầu phụ nai lưng ra làm, nợ thuế cũng gánh. Chứ hoàn toàn không phải Nhà nước, chủ đầu tư chậm thanh toán như nhiều doanh nghiệp kêu. Kỳ thực  nhiều  thầu phụ chết, còn thầu chính thì vẫn khá “đàng hoàng”. Xí nghiệp 2 cũng là một trong những đại diện “của thầu phụ”, nai lưng ra làm nhưng công ty mẹ được giãn nợ thuế, có khi chủ đầu tư đã trả nợ cho công ty mẹ rồi, công ty mẹ cũng không chi ra đồng nào do bị cấn trừ nợ ngân hàng hoặc các khoản nợ khác. 

Sau lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản cũng thuộc nhóm nợ thuế lớn, nợ 117,5 tỷ đồng/ tổng nợ thuế 870 tỷ đồng. Ông Trần Đình Toàn – Giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí cho biết, công ty hiện đang nợ 6,9 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT 4,4 tỷ đồng, nguyên nhân nợ là hàng tồn kho nhiều. Hiện nay đời sống người lao động (120 người) rất khó khăn. Mới đẩy được một lượng hàng tồn kho thì phải nộp thuế ngay. Tuy nhiên, công ty cam kết đến 2015 nộp hết thuế.

Có thể nói, bất động sản thời gian qua “cung” vượt “cầu”, thị trường ế ẩm, vì thế tình trạng nợ đọng thuế cũng lớn, có đơn vị nợ trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng là DN bất động sản nhưng Công ty Vinaconex 9 lại hoàn thành toàn bộ tiền nộp ngân sách dù đang rất khó khăn, hay như Công ty ĐT và PT nhà 30 cũng đã cố gắng nộp tốt. 

Chưa đồng hành cùng doanh nghiệp

Những chậm trễ trong giải quyết các vấn đề về thuế và khúc mắc trong thu thừa tiền của DN cũng được nêu ra tại hội nghị. Ông Nguyễn Tam Tỉnh - Giám đốc Công ty  CP xi măng dầu khí Nghệ An tại Anh Sơn cho biết: “Công ty có  450 lao động và hiện đang nợ thuế  2,7 tỷ đồng. Hiện nay chúng tôi đang được hoàn thuế 1,1 tỷ đồng, đã có hồ sơ đầy đủ gửi Cục Thuế Nghệ An nhưng ngành Thuế nói đang thiếu giấy chứng nhận đầu tư dự án mới. Dự án nâng công suất nhà máy xi măng trị giá 814 tỷ đồng hiện thủ tục chưa hoàn thành do nâng dự án lên trên 1.300 tỷ đồng. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ, trong khi công ty đang nợ thuế, ngành Thuế nên khấu trừ vào tiền nợ thuế từ tiền hoàn 1,1 tỷ đồng nói trên, không phong tỏa tài khoản của DN. Công ty một tháng nộp 500 triệu đồng tiền bảo hiểm nhưng bị Cục Thuế phong tỏa tài khoản nên rất khó khăn để duy trì bộ máy. Hơn nữa, công ty đang cung ứng cho tỉnh 100.000 tấn xi măng, tỉnh đang nợ  28 tỷ đồng, cũng mong được tỉnh quan tâm trả nợ. Nếu tiếp tục thế này DN phải đóng cửa, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm công nhân”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hòa – Cục trưởng Cục Thuế cho biết: sẽ chỉ đạo Chi cục Thuế Anh Sơn cho công ty được khấu trừ tiền hoàn vào tiền nợ thuế và sau đó sẽ không phong tỏa tài khoản của DN nữa. Đó là một tín hiệu mừng cho DN. Tuy nhiên, tại sao ngành Thuế không tiến hành sớm hơn để DN được nhờ mà phải đợi đến hội nghị này mới giải quyết cho DN. Đó liệu có phải quan liêu không?  Công ty CP xi măng là một DN có lao động sản xuất thực sự, không như những DN “ma” khác, những khó khăn của nợ thuế, bị phong tỏa ngân hàng cùng với nợ xi măng của tỉnh khiến DN rất khó khăn. 

Bà Hoàng Thị Thủy, Giám đốc DNTN Phước Thủy thì phản ánh: “Tháng 9/2011, trong tài khoản của chúng tôi có 217 triệu đồng,  Chi cục Thuế Vinh áp thu của DN hết với lý do sử dụng hóa đơn sai quy định, mặc dù chưa có kết luận điều tra. Đến ngày 30/1/2013, khi có kết luận của bên điều tra, Thuế lại chỉ thu 163 triệu đồng, vậy 124 triệu đồng Cục Thuế thu thừa của chúng tôi (trong 16 tháng) thì tính sao? Trong khi đó, DN lại phải nộp chậm cho khoản tiền trên với 34 triệu đồng. Vì vậy, đề nghị ngành Thuế phải bù lại tiền lãi thu thừa của DN. Bên cạnh đó, DN được cấp phép khai thác mỏ Hùng Vàng. Thủ tục mỏ làm 3 năm vẫn chưa xong, hàng trăm thủ tục giấy tờ quá rắc rối. Khi khai thác mới phát hiện ra trữ lượng không như thăm dò, nên DN trả mỏ. Được các sở, ban, ngành kiểm tra đất đang nguyên trạng nhưng DN không được UBND tỉnh giải quyết. Vì vậy lâm vào nợ thuế, bị Chi cục Thuế Vinh phong tỏa tài khoản. Ngày 4/6/2013 lại có Công văn của Sở Công Thương về việc chấn chỉnh thu thuế, lệ phí, phí vật liệu nổ, tiền chuyển đổi môi trường. Trong công văn có yêu cầu các DN khi cấp phép vật liệu nổ thì phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí. Điều này khiến DN không có khả năng hoạt động nữa bởi các khoản thuế, phí chiếm 40% doanh thu của DN”. Trả lời vấn đề của bà Thủy, ông Nguyễn Đình Hòa cho biết Cục sẽ nắm lại vấn đề này bởi DN Phước Thủy  do Chi cục Thuế Vinh quản lý, hiện nay Chi cục trưởng mới lên thay chưa nắm được nên Cục sẽ  chỉ đạo kiểm tra và có văn bản trả lời cho DN. 

Vấn đề truy hoàn thuế xuất khẩu qua Lào cũng được nhiều DN phản ánh tại hội nghị. Các DN như Thanh Biên (bị truy hoàn 41 tỷ đồng) và các DN khác  cho rằng tại sao khi làm thủ tục hoàn thuế được ngành Thuế chấp nhận cho hoàn, nhưng sau đó lại thanh tra và truy hoàn của DN hàng chục tỷ đồng… Rõ ràng còn nhiều vấn đề trong quản lý thuế, trong thắt chặt vốn vay đối với DN. Bên thềm hội nghị, Giám đốc Công ty Trang Anh cho biết: “Ngành Thuế đang áp đúng các chính sách của Nhà nước trong quản lý thu thuế, nhưng việc áp dụng nên linh hoạt, tùy từng điều kiện và hoàn cảnh DN. Lãi phạt chậm hiện nay gấp gần 4 lần lãi suất tín dụng. Nên để cho DN một lối thoát để làm ăn và trả nợ cho Nhà nước”. 

Vấn đề này, theo ông Nguyễn Đình Hòa, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, giao trách nhiệm cho Cục Thuế các tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện các DN hoàn thuế và Cục Thuế đã tiến hành thanh tra xong 30 DN, kết quả truy hoàn trên 60 tỷ đồng. Nguyên nhân là DN thanh toán qua tài khoản vãng lai không đúng theo quy  định của pháp luật. Việc ngành thuế cấp trên thanh tra đơn vị thuế cấp dưới là việc bình thường. Cục Thuế cũng đã  họp để kiểm điểm nội ngành. Nếu DN không đồng ý với kết luận điều tra của Cục thì khiếu nại lên Tổng Cục giải quyết.

Có thể nói, còn có không ít băn khoăn, vướng mắc đặt ra trong quá trình thu - nộp thuế hiện nay. Vì thế, tại hội nghị đối thoại với 100 doanh nghiệp có nợ thuế lớn, trên tinh thần chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã ghi nhận ý kiến của các DN,  giao cho các ngành chức năng trả lời cụ thể cho DN tại hội nghị, đồng thời báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng phê bình các ngành còn cứng nhắc, máy móc trong một số trường hợp, thiếu sự đồng cảm với khó khăn của DN cần rút kinh nghiệm. UBND tỉnh sẽ chờ đợi chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ trong thời gian tới nhưng về phía DN, yêu cầu các DN  chủ động kê khai nộp thuế đầy đủ, kịp thời cho Nhà nước; hạn chế tối đa việc nộp chậm, nợ đọng thuế. 

P.V