Gần đây, các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp ô tô tại Việt Nam bức xúc về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt gây chênh lệch giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc.
images943577_1.jpg
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho biết, Công ty đã có kiến nghị gửi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Công thương về việc áp dụng mức giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước khác với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, gây bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước.
 
“Cho dù mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hay ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cùng dung tích động cơ là như nhau và không có sự phân biệt, nhưng bởi thời điểm tính thuế đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước khác nhau, nên tiền thuế của xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải nộp cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc”, ông Tuấn nói.
 
Từ trước tới nay, thời điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc là ở ngay khâu nhập khẩu, tức là theo giá CIF có cước và phí bảo hiểm rồi nhân với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, với xe lắp ráp trong nước, thời điểm tính tiêu thụ đặc biệt là khi bán ra cho đại lý.
 
Nghĩa là, mức giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã cộng thêm cả lợi nhuận của doanh nghiệp (DN), cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý và một số chi phí khác. Như vậy, mức giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt của xe trong nước không tương đương với mức giá khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
 
Trước đó, ông Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Ford Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch VAMA cũng có nhận xét về việc chênh lệch mức giá để thuế tiêu thụ đặc biệt này.
 
Theo ông Jesus Metelo Arias, nếu so sánh xe sản xuất trong nước với xe nhập khẩu, thì xe sản xuất trong nước, ngoài chi phí sản xuất ra, còn có nhiều chi phí khác, như chi phí đầu tư vào hệ thống phân phối, dịch vụ sau bán hàng... Các chi phí này tạo nên giá thành của chiếc xe, song lại tiếp tục bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, xe nhập khẩu chỉ tính giá tại thời điểm nhập khẩu và chưa có lợi nhuận của nhà phân phối. Điều đó tạo ra sự không hài hòa về mặt thuế và gây thiệt thòi cho các nhà sản xuất xe trong nước.
 
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban Hoạch định chiến lược (Công ty Ô tô Toyota Việt Nam) cho hay, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt như đang áp dụng, giá xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc tương đương sẽ chênh lệch nhau khoảng 5%.
 
“Mức chênh lệch 5% thoạt nghe có vẻ không lớn, nhưng nếu so với con số tổng chi phí và lợi nhuận khi bán một chiếc xe hạng sang là 10% mà một nhà nhập khẩu đã đưa ra gần đây, thì có thể thấy mức chênh 5% là không hề nhỏ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
 
Bởi vậy, các doanh nghiệp ô tô có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm có giải pháp để doanh nghiệp ô tô có đầu tư sản xuất tại Việt Nam không gặp thiệt thòi so với các nhà nhập khẩu thuần túy.
 
Cũng liên quan đến câu chuyện thuế với xe nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước, ông Hồ Mạnh Tuấn cho biết, theo lộ trình, thuế áp dụng với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ về mức 0% vào năm 2018.
 
“Vì vậy, các doanh nghiệp có đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng mong muốn cơ quan hữu trách xem xét đưa thuế áp dụng với linh kiện ô tô nhập khẩu cũng giảm về 0% từ năm 2015, để khuyến khích doanh nghiệp vận hành hoạt động dây chuyền sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam”, ông Tuấn đề nghị.
 
Theo.baocongthuong