(Baonghean) - Tình trạng nợ lương trong các doanh nghiệp không phải là vấn đề mới ở tỉnh ta. Dù đã có chế tài xử phạt cụ thể, nhưng do những bất cập trong quản lý, sự yếu kém của các tổ chức công đoàn cơ sở, nhiều lao động vẫn phải chịu thiệt thòi...
 
Người lao động thiệt thòi
 
Theo số liệu từ Phòng Việc làm – Tiền lương – BHXH (Sở LĐ - TB&XH), đến ngày 2/2, Công ty CP xây dựng công trình giao thông 482 vẫn còn nợ lương 109 lao động với tổng số tiền nợ là 11 tỷ 121 triệu đồng.  Ngoài ra, công ty còn nợ BHXH đến hơn 6 tỷ đồng. Một số kỹ sư của công ty cho biết: “Mặc dù hai bên đều có thỏa thuận bằng hợp đồng lao động, trong đó ghi rõ quyền lợi và trách nhiệm mỗi bên, nhưng chúng tôi không hề biết mình có được công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay không. Chúng tôi mong muốn công ty sớm thanh toán tiền lương đầy đủ cho chúng tôi để giải quyết khó khăn trong cuộc sống”.  
images1455163_bna_56b35879977bd.jpgDù công việc vất vả, phải thường xuyên xa nhà nhưng nhiều kỹ sư, công nhân Công ty CP 482 bị nợ lương nhiều tháng liền.
 
Tìm hiểu tại Phòng Hành chính – Nhân sự của Công ty CP xây dựng công trình giao thông 482, chúng tôi được biết, đầu năm 2015, tổng số cán bộ, kỹ sư, công nhân viên của công ty là hơn 550 người. Tuy nhiên, năm 2015, có đến gần 180 người nghỉ việc, trong đó có gần 40 kỹ sư. Ngoài những nguyên nhân như không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đau ốm, không muốn đi công trình xa nhà… thì nguyên nhân nghỉ việc chủ yếu là do thu nhập của công ty không đảm bảo, nợ lương kéo dài. Anh Võ Đình Hải – một công nhân đã nghỉ việc cho biết: "Mới đầu bị nợ lương, may mà tiền tiết kiệm vẫn còn nên tiêu tằn tiện nên đủ sống qua ngày. Cực chẳng đã, tôi phải lên công ty đòi thanh toán tiền lương để nghỉ việc nhưng chỉ được thanh toán một phần”. 
 
Cũng là một doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông, Công ty CP xây dựng cầu đường 496, đến thời điểm cuối năm 2015 nợ lương 171 kỹ sư, công nhân viên với tổng số tiền 3 tỷ đồng. Đến thời điểm này, sau 1 tháng, công ty đã giải quyết được một phần nhưng số tiền nợ lương vẫn còn đến 2 tỷ đồng.
 
Ông Phạm Thái Học – Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi đã rất cố gắng để trả đủ, đúng hạn tiền lương cho người lao động. Nhưng có những dự án xây dựng lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, vay ngân hàng, đã hoàn thành rồi, nhưng chủ đầu tư chậm thanh toán tiền nên công ty không có tiền trả lương cho người lao động”.
 
Chị Nguyễn Thị V – nhân viên hành chính của công ty cho biết: “Năm ngoái, có thời điểm 3 - 4 tháng chúng tôi không nhận được đồng lương nào, mọi nhu cầu chi tiêu đều bị cắt giảm tối đa. Thậm chí, ngay cả những nhu cầu thiết yếu như ăn uống cũng phải dè xẻn. Đến nay dù công ty đã trả một phần, nhưng vẫn còn 1 tháng lương chúng tôi chưa được nhận. Năm hết Tết đến, nhìn người ta nô nức đi sắm Tết mà thấy chạnh lòng. Nhưng tôi không dám nghỉ việc vì nếu nghỉ thì khó đòi khoản lương bị nợ. Nhiều người ở đây nghỉ việc từ giữa năm, nhưng đến nay chưa được thanh toán đồng lương nào".
 
Tình trạng nợ lương xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi… Đặc thù của các doanh nghiệp này là trả lương cho người lao động theo quý, theo từng công trình hoặc theo từng đợt thanh, quyết toán. Những năm qua, do đầu tư công bị cắt giảm nên các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2015, ngoài 2 công ty trên, còn có một số công ty nợ lương hàng trăm người lao động với số tiền hàng tỷ đồng, như: Công ty CP Xây lắp điện VNECO 4, nợ lương 108 lao động với số tiền 1 tỷ 620 triệu đồng; Công ty THHH 1 thành viên Nông công nghiệp 3-2 nợ 12 tỷ 861 triệu đồng…

Bất cập trong quản lý

Qua tìm hiểu tại các cơ quan chức năng,  nhận thấy việc quản lý vấn đề nợ lương dường như đang bị bỏ ngỏ.
 
Bà Lê Thị Thủy – Phó phòng Việc làm – Tiền lương – BHXH, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều, nhân lực của phòng lại mỏng nên chúng tôi không nắm được chính xác có bao nhiêu doanh nghiệp nợ lương. Hàng năm, phòng chỉ tiến hành khảo sát tình hình chi trả lương của một số doanh nghiệp, như năm 2015 đã khảo sát gần 10 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp nợ lương”. 
 
Công nhân làm việc tại Công ty VNECO 4 - đơn vị đang nợ hơn 1,6 tỷ đồng tiền lương.
 
Còn bà Hoàng Thị Hường – Chánh Thanh tra sở cho biết: “Từ trước tới nay Thanh tra Sở LĐ-TB&XH chưa có một chuyên đề thanh tra riêng về vấn đề tiền lương tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từ trước đến nay Thanh tra sở cũng chưa nhận được một phản hồi, đơn thư phản ánh về vấn đề nợ lương của người lao động gửi đến”.
 
Bà Hường cho biết thêm: “Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 11.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong khi, Phòng Thanh tra của Sở LĐ-TB&XH chỉ có 7 cán bộ nhưng phải quản lý 9 lĩnh vực khác nhau. Vì thế, việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện là vô cùng khó khăn”.
 
Theo Bộ luật Lao động cũng như Nghị định hướng dẫn đều quy định xử lý nghiêm minh các sai phạm về vấn đề tiền lương. Nghị định 05/CP của Chính phủ ngày 12/1/2015 quy định:  Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Tuy nhiên, tại Nghệ An, tình trạng chậm lương, nợ lương của người lao động tại các doanh nghiệp xảy ra nhiều năm nay nhưng gần như chưa doanh nghiệp nào bị xử phạt. 

Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, qua phản ánh của các tổ chức công đoàn cơ sở thì trong năm qua cơ bản không có tình trạng doanh nghiệp nợ lương người lao động. 

 
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Nghị định 05/CP hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương trong Bộ luật Lao động cũng quy định rõ, khi xảy ra tình trạng chậm lương, người lao động có quyền có ý kiến, khiếu nại, tố cáo.
 
Đặc biệt người lao động có quyền ủy quyền cho công đoàn, để công đoàn cơ sở đòi quyền lợi cho người lao động. Nhưng trên thực tế, người lao động chủ yếu im lặng hoặc đôi khi chia sẻ với doanh nghiệp, còn vai trò của các tổ chức công đoàn cơ sở lại yếu kém, chưa thực sự gắn kết với người lao động nên việc đòi hỏi quyền lợi cho người lao động trong vấn đề tiền lương đang là điều rất khó.
 
Vì vậy, để khắc phục tình trạng nợ lương, bên cạnh việc các doanh nghiệp phải đổi mới, cơ cấu lại cách thức sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thì các tổ chức công đoàn cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quyền lợi của mình trong Luật Lao động, đồng thời phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động”. 
Minh Quân