Phía Nhật Bản khẳng định việc hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước Việt – Nhật là điều mà Nhật Bản đang tiến tới.

Trong khuôn khổ Chương trình giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam – Nhật Bản 2015 tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường niên lần 3 năm 2015 với chủ đề Kinh tế ĐBSCL sau 2015 – Tương lai kinh doanh và đầu tư ngành chế biến thực phẩm.

Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ ưu tiên đầu tư vào ĐBSCL ảnh 1
 

Thủy sản là một trong nhiều tiềm năng thế mạnh của ĐBSCL (Ảnh minh họa:KT)

Các đại biểu tại hội nghị cho rằng ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng của Việt Nam, là nơi sản xuất cung ứng lúa, gạo, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ yếu của cả nước. Mặt khác, ĐBSCL có vị trí quan trọng nối kết khu vực tiểu vùng Mekong và vị trí thuận lợi về khoảng cách giao thương khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên với tiềm năng lợi thế như vậy, nhưng thời gian qua việc đầu tư khai thác kinh doanh trong các lĩnh vực này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Chính vì vậy, đại diện phía Nhật Bản khẳng định việc hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước Việt – Nhật là điều mà Nhật Bản đang tiến tới, trong đó có khu vực ĐBSCL. Từ góc độ nhà đầu tư, thì ĐBSCL là khu vực có tiềm năng nông nghiệp thủy sản lớn nhất. Do vậy, việc đầu tư vào đây sẽ là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản với sự hỗ trợ về khoa học công nghệ cũng như giúp phía Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cơ hội đầu tư vào ĐBSCL là rất lớn với những lĩnh vực đã và đang mang lại cho các nhà đầu tư những lợi nhuận rõ rệt. Đặc biệt là môi trường đầu tư đã được cải thiện rõ nét thời gian gần đây, trong đó các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp được các nhà quản lý quan tâm, tạo sự thông thoáng trong đầu tư phát triển.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, nơi đây cũng có bến cảng, cầu và có những khu vực cung cấp điện năng. Về nguồn nhân lực, trước đây ĐBSCL được coi là vùng trũng về đào tạo nguồn nhân lực nhưng ngày nay cũng có đã những điểm riêng. Tức là lực lượng lao động rất dồi dào. Môi trường đầu tư được cải thiện. Đây là một sự cam kết rất rõ ràng thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của các tỉnh thành ĐBSCL trong ba năm gần đây tương đối ổn định.

Dịp này, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cũng đã giới thiệu và kêu gọi đầu tư vào 74 dự án ưu tiên tập trung ở các  lĩnh vực như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản trên biển; công nghiệp chế biến; sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ mới; xây dựng đô thị, khu công nghệ, hạ tầng khu công nghiệp. Ngoài ra, các tỉnh cũng kêu gọi đầu tư vào 10 dự án khác như: Sân bay An Giang;  khu công nghệ thông tin tập trung; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; khu xử lý chất thải rắn./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN