Theo dự thảo thông tư này, các tổ chức tín dụng được phép hoạt động xem xét quyết định cho khách hàng là doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Theo ông Hùng, khi xem xét kế hoạch sửa đổi Thông tư 24, NHNN xác định sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn, ít nhất tiếp tục triển khai trong năm 2018 nhằm hỗ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu. Còn định hướng chung và lâu dài vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán.
Theo ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế, tỷ giá USD/VND ổn định trong những năm gần đây đã tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bằng đồng USD thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay bằng VND đã khiến nhu cầu vay USD của các doanh nghiệp tăng cao nhằm giảm chi phí lãi vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 11/2018, đối với USD, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5 - 6%/năm. Đối với VND, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy, chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD đang ở mức 3,5 - 5%/năm.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với sự chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, doanh nghiệp được vay ngoại tệ sẽ được hưởng lợi lớn hơn. Họ có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp, rồi bán lấy tiền đồng để mua các nguyên liệu trong nước, sau đó lại xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ để trả nợ ngân hàng. Với động thái nói trên của NHNN cho thấy, chính sách tiền tệ được NHNN điều hành linh hoạt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Với việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 24, đây là lần thứ tư NHNN nới thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước.
Tuy nhiên, sau thời hạn nói trên, điều gì sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp không được vay ngoại tệ? liệu các doanh nghiệp có chuyển mạnh sang vay VND? TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, điều đó là không thể, bởi doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập khẩu thì cái họ cần là ngoại tệ chứ không phải là VND. Do đó, nếu không vay được ngoại tệ thì họ buộc phải dừng nhập khẩu. Tất nhiên là với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, việc dừng này là không thể nên họ buộc phải mua ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng và có thể trên thị trường tự do.
"Việc mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán đơn hàng nhập khẩu hợp pháp thì không bị pháp luật ngăn cấm và chắc chắn sẽ được ngân hàng đáp ứng đầy đủ. Nên doanh nghiệp nhập khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực gì từ chuyện cấm cho vay ngoại tệ của NHNN. Còn với cả nền kinh tế, do doanh nghiệp nhập khẩu không chuyển sang vay VND để nhập khẩu nên lãi suất cho vay VND cũng chắc chắn sẽ không tăng lên", TS. Phan Minh Ngọc nhấn mạnh.