(Baonghean) - Bệnh nghề nghiệp là những loại bệnh dễ mắc phải trong quá trình lao động sản xuất, ảnh hưởng tới sức khoẻ chính bản thân người lao động, giảm năng suất, chất lượng làm việc. Cùng với quá trình phát triển của các doanh nghiệp, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng. Thế nhưng thực tế, cả chủ doanh nghiệp và người lao động đều chưa mấy quan tâm đến vấn đề này.

Người lao động chủ quan

Tại khoa Hô hấp, Bệnh viện HNĐK Nghệ An, mỗi ngày có rất đông bệnh nhân đến điều trị viêm phế quản, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong số đó, có không ít bệnh nhân là người lao động từng làm việc ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở khai khoáng, dệt may, linh kiện điện tử có sử dụng hoá chất… Trò chuyện với ông Võ Văn Lương năm nay 52 tuổi, quê quán ở huyện Yên Thành được biết, ông đã đến khám, điều trị tại bệnh viện nhiều đợt vì căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính của mình.

Ông Lương chia sẻ: “Ban đầu thấy biểu hiện ho khan, tức ngực, khó thở, gia đình nghĩ là viêm phổi nên tự mua thuốc điều trị, không thuyên giảm lại quay sang dùng thuốc Bắc, thuốc Nam. Bệnh ngày càng nặng, mấy năm trước tôi xuống Bệnh viện HNĐK Nghệ An khám thì mới phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sỹ chẩn đoán nguyên nhân do tiếp xúc với bụi đá trong thời gian dài”.

Được biết, ông Võ Văn Lương có hơn 20 năm làm công việc nghiền sàng, đập đá tại một số cơ sở khai khoáng trên địa bàn tỉnh. Làm việc ngoài trời nóng nực, ông chỉ đội mũ bảo hộ chứ ít khi sử dụng khẩu trang vì theo ông “cảm giác khó thở, dính mồ hôi khó chịu”.

1501494110902.jpgCông nhân làm việc tại Nhà máy MLB Tenergy Yên Thành. Ảnh: Phước Anh

Tương tự như ông Võ Văn Lương, tại khoa Hô hấp có một số bệnh nhân nữ hiện đang là công nhân của các xí nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh. Nhiều người trong số họ bị chẩn đoán mắc bệnh hen phế quản mãn tính do nhiều năm tiếp xúc với bụi sợi, vải.

Họ chia sẻ, theo quy định công nhân phải đeo khẩu trang, mũ bảo hộ trong quá trình làm việc, tuy nhiên chẳng mấy khi đội quản lý xưởng kiểm tra, nhắc nhở, mà chính bản thân công nhân cũng chủ quan không sử dụng vì ngại vướng víu!

Danh mục bệnh nghề nghiệp phát hiện được rất nhiều, trong đó, bệnh sạm da nghề nghiệp là một trong các bệnh phổ biến, chủ yếu bệnh xuất hiện ở nhóm lao động tiếp xúc với xăng, dầu hỏa, dầu nhờn, dầu mazut, dầu đá phiến, benzen, parafin, nhựa than, nhựa đường...

Theo số liệu năm 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, qua công tác khám bệnh tại Công ty Xăng dầu Nghệ An cho thấy, người lao động nhiễm sạm da nghề nghiệp có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2015 phát hiện 80/377 lao động, năm 2016 phát hiện 91/288 lao động, 6 tháng đầu năm 2017 phát hiện 229/497 lao động nhiễm bệnh. Nguy cơ cao là vậy, nhưng qua trao đổi với một số người lao động ở các cây xăng, dầu, họ thừa nhận việc sử dụng dụng cụ bảo hộ chưa thường xuyên, những lúc thời tiết mát mẻ hoặc vào buổi chiều, tối vẫn thường bỏ khẩu trang, mũ ra cho thoải mái!

Doanh nghiệp thờ ơ

Với hàng trăm nghìn người lao động đang làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nỗi lo về bệnh nghề nghiệp luôn hiện hữu. Toàn tỉnh hiện có hơn 15.000 doanh nghiệp được thành lập, lĩnh vực hoạt động phần lớn là xây dựng, khoáng sản, công nghiệp, khai thác, chế biến… Đây là những lĩnh vực mang lại doanh thu khả quan, nhưng đi kèm với đó là những nguy cơ với người lao động nếu không được đảm bảo tốt các điều kiện vệ sinh an toàn lao động.

Sản xuất bột đá tại Công ty khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam (Quỳ Hợp). Ảnh: Phước Anh

Theo Khoản 2, Điều 152, Bộ Luật lao động năm 2012 quy định: “Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần”.

Luật quy định rõ ràng là vậy, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp, công ty, chủ sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ này. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2015, chỉ có 51 lượt cơ sở sản xuất có khám sức khoẻ định kỳ; năm 2016 là 45 lượt; 6 tháng đầu năm 2017 là 18 lượt. Con số này so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là quá ít ỏi.

Công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Về năng lực y tế tuyến huyện, theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, chỉ vài huyện, thành phố như TP. Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu cơ bản đáp ứng được; các địa phương còn lại gặp nhiều hạn chế trong chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ngay như Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hệ thống kỹ thuật cũng chưa đáp ứng được việc khám phát hiện một số độc chất công nghiệp, phải mời Viện Sức khoẻ nghề nghiệp vào hỗ trợ.

Bác sỹ CK1 Lê Tuấn Anh - Trưởng Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhận xét, phần lớn cơ sở sản xuất đăng ký khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp quy mô càng lớn thì ý thức chấp hành càng tốt. Điều đáng buồn là trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đến 98%), tỷ lệ thuận với đó là sự thờ ơ trong công tác chăm sóc sức khoẻ người lao động. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng là do mục đích lợi nhuận.

Chi phí cho mỗi lao động khi khám sức khỏe định kỳ khoảng từ 200.000 - 500.000 đồng. Bình quân, một doanh nghiệp có 100 lao động, nếu “quên” khám sức khoẻ định kỳ, chủ doanh nghiệp đã “tiết kiệm” được hàng chục triệu đồng.

Ngoài ra, nếu phát hiện người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thì theo quy định tại Điều 144 và Điều 145, Bộ Luật lao động năm 2012, chủ doanh nghiệp phải thanh toán phần chi phí, đồng thời chi trả những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị…

Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp đã trốn tránh thực hiện trách nhiệm, không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, khiến nhiều người lao động mất đi “thời gian vàng” chữa bệnh trong giai đoạn đầu mới nhiễm, thêm nhọc nhằn vì gánh nặng bệnh tật kéo dài.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 17 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính khi không tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ cho người lao động sẽ bị phạt, cụ thể như sau:

“Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Không điều trị hoặc khám sức khỏe định kỳ hoặc lập hồ sơ sức khỏe riêng biệt cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp.

- Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định.

- Không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định”.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN