(Baonghean) Công ty Cổ phần Sỹ Ngàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã được Tòa án nhân dân TP Hà Nội gửi thông báo thụ lý đơn kiện của một doanh nghiệp khác, yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thông báo của Tòa án nêu rõ: “Công ty Sỹ Ngàn có dấu hiệu mất khả năng thanh toán một số khoản nợ đến hạn”.Vậy là doanh nghiệp kinh doanh BĐS đầu tiên ở Việt Nam đã “rơi” vào vòng kiện tụng, lao lý. Điều này chẳng có gì bất ngờ, khi mà suốt thời gian qua, tin tức về thị trường BĐS không chỉ “hâm nóng” các mặt báo mà còn gây ra nhiều luồng dư luận xã hội khác nhau. Động từ “đóng băng” mà người ta thường sử dụng có vẻ chưa phản ánh đúng thực tế hiện nay trên thị trường BĐS là có nhiều thương vụ, dự án đang trên đà đổ vỡ, trượt dốc, không có gì níu kéo nổi… Sự đổ vỡ thuần túy trong lĩnh vực kinh tế cùng những hệ lụy của nó còn len lỏi, xảy ra tới từng gia đình, cá nhân, gây ra những biến động xã hội… Tiến sỹ A-lan Phan, nhà nghiên cứu kinh tế, tài chính, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hồng Kông, trong một bài viết của mình, cho rằng, “tử huyệt” của thị trường BĐS là khủng hoảng niềm tin. Đó là niềm tin giữa Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, người đầu tư, đầu cơ, người tiêu dùng thật sự và cả những đối tượng tham gia thị trường BĐS không chính thức, như “cò”… Nhớ lại những năm qua, trào lưu đuổi theo quả bóng BĐS khiến cả xã hội lên cơn sốt hầm hập. Giá đất, nhà, chung cư, biệt thự leo thang tưởng như không bao giờ ngừng lại. Người ta đã tin vào một “nguyên tắc” thơ ngây: “Có tiền, mua đất, chẳng bao giờ lỗ!”. Thế nên người người mua đất, mua nhà; vừa mua xong lập tức bán lại ngay là đã có lãi… Các ngân hàng thương mại nhanh chóng nhập cuộc, tiến hành cho vay, thậm chí không hề đếm xỉa đến những nguyên tắc tài chính - ngân hàng cơ bản, đã cho vay những khoản tiền lớn với tài sản thế chấp chính là BĐS đã được “thổi giá” lên đến hàng chục lần; lãi suất ngân hàng cũng theo đó mà tăng vọt, khiến Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ấn định các mức trần lãi suất trong nỗ lực ngăn chặn lạm phát. Không chịu thua, các ngân hàng thương mại tìm cách “lách trần”, “sáng tạo” ra nhiều hình thức “khuyến mại” độc đáo như tặng quà, quay số trúng thưởng và thi hành cơ chế “lãi suất thỏa thuận” làm cho tình hình tài chính thêm rối ren, nhập nhằng, không minh bạch. Hậu quả, như đã biết, đã tạo ra “nợ xấu”. Thống kê từ 69 C.ty BĐS niêm yết cho thấy, đến quý 4/2011, các công ty này đang gánh một khoản nợ vay khoảng 67.000 tỷ đồng và chi phí lãi vay mỗi năm là 13.400 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền mặt còn lại tại 69 Công ty trên chỉ đủ để trả 1/4 số nợ trên và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước lãi vay và thuế chỉ bằng 1/3 chi phí lãi vay mỗi năm. Ước lượng, tổng tiền nợ khách hàng của các doanh nghiệp BĐS chừng 50.000 tỷ đồng - tương đương 2,5 tỷ USD. Đây là số nợ khủng khiếp; con số này có thể còn lớn hơn cả nợ xấu ngân hàng.Có lẽ đến bây giờ, người ta mới hiểu rằng, đặt niềm tin rồi nộp tiền vào những thứ được trình bày trên giấy là các dự án BĐS, là quá phiêu lưu? Tiến sỹ A-lan Phan cho rằng, giá BĐS đang giảm nhưng chưa đến tận “đáy”, và rất có thể, còn có nhiều khả năng “xuyên đáy”. Các tính toán của ông cho thấy cần phải giảm thêm 20-30% nữa mới “chạm đến đáy an toàn”!Sự kiện Công ty Cổ phần Sỹ Ngàn, công ty BĐS đầu tiên sa vào vòng lao lý, rất có thể là vụ việc đánh dấu cho một bước khởi đầu khác trên thị trường BĐS, đó là sự minh bạch, là việc cần phải xem xét nghiêm túc mối quan hệ biện chứng cung-cầu cùng những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô luôn đòi hỏi có sự quản lý, điều hành khoa học của Nhà nước nhằm ngăn chặn và gạt bỏ những giá trị ảo do một số nhóm lợi ích cố tình tạo nên để trục lợi.

Trần Hoài