Theo “ông giáo” sinh năm 1959, VFF nên tiếp tục tin dùng HLV Mai Đức Chung nhưng về lâu dài cần một chiến lược gia nước ngoài để dẫn dắt tuyển Việt Nam.
- Thất bại ở SEA Games 29 đang gây ra nhiều hệ lụy cho bóng đá Việt Nam, và niềm tin của các CĐV dường như đang chạm đáy?
- Tôi nghĩ mọi người đừng chỉ trích hay trách cứ bất cứ ai cả, tội nghiệp cho Hữu Thắng cũng như các cầu thủ của ông ấy. Hãy nghĩ lại xem bóng đá Việt Nam đang ở đâu, đang có gì và có thể làm gì... Khi đó, chúng ta sẽ hiểu được thất bại vừa qua là đương nhiên. Bóng đá có nhiều yếu tố chứ không phải cứ kỹ thuật tốt, thi đấu hay là chiến thắng. Bóng đá hiện đại, mỗi trận đấu cầu thủ phải chạy được từ 8.000 - 10.000 mét, còn cầu thủ của Việt Nam chỉ 6.000 mét đã thở không ra hơi thì sao so sánh với người ta. Đừng nghĩ lâu lâu chúng ta thắng Thái Lan một trận giao hữu rồi nghĩ mình mạnh hơn. Đừng nghĩ chúng ta dự World Cup U20 là đẳng cấp đã chạm đến thế giới.
- Câu chuyện cải cách rồi chuyên nghiệp hóa bóng đá thực ra đã được bàn và triển khai từ hàng chục năm qua, nhưng chuyển biến có lẽ chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Chúng ta trước nay không có định hướng đào tạo cụ thể. Chúng ta chỉ chạy vòng vòng, đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và cố sống cố chết để đạt lấy, mà không có chiến lược nào cả. Ở các nước phát triển, họ có hệ thống đào tạo từ 12 tuổi chứ không phải đến 16 tuổi mới định hướng như ở Việt Nam. Theo tôi thấy, chúng ta có thể học được nhiều điều từ định hướng đầu tư cho futsal, nếu muốn có một đội tuyển tốt.
Nếu muốn vượt qua Thái Lan và tiếp cận trình độ châu Á thì bóng đá Việt Nam phải có một chiến lược tổng thể, từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn, từ hệ thống thi đấu, bộ máy Liên đoàn đến các CLB… Tất nhiên, làm như vậy sẽ vấp phải câu chuyện thành tích. Nhưng những người đứng đầu Liên đoàn cần mạnh dạn và vững tin vì một sự phát triển bền vững. Chứ cứ như hiện tại, chúng ta sẽ tự bó hẹp mình trong những giải đấu kiểu SEA Games với AFF Cup mà thôi.
- Thực ra, những năm gần đây bóng đá trẻ Việt Nam đạt được không ít thành tựu. Nhưng cứ khi nhận phải một thất bại nào đó là dư luận lại nổi sóng. VFF có lẽ khó mà chuyên tâm vì một mục tiêu phát triển lâu dài?
- Đúng vậy. Bóng đá Việt Nam còn nhiều bất cập nhưng nó cũng chỉ phản ánh mặt bằng xã hội. Chê trách VFF cũng được. Ai cũng có lý do, ai cũng chí lý cả. Nhưng VFF có cái khó của họ, không phải cái gì muốn cũng làm được. Theo tôi, vấn đề ở đây là VFF phải vạch ra được một chiến lược phát triển cụ thể để thuyết phục người hâm mộ cũng như những cấp có liên quan.
Chúng ta phải đặt ra các mốc mục tiêu cho 8 rồi 12 năm phía trước. Trong đó, phải xác định được làm gì, đào tạo ra sao, thuê ai phù hợp... Bóng đá giống như ngôi nhà mà cái cột là các giải đấu chuyên nghiệp, là các CLB. Chúng ta không nên trông cậy vào một cá nhân nào hoặc chỉ một lứa cầu thủ nào đó. Đây là "công cuộc toàn dân". Ai cũng đánh giá cao bầu Đức, nhưng không thể chỉ bỏ tiền ra là nâng tầm được cả một nền bóng đá. Nếu chỉ dễ dàng như vậy, thì ai cũng làm được vì ngoài kia có đầy người giàu có hơn chúng ta. Điều quan trọng là cách làm bóng đá như thế nào mà thôi.
- Trở lại với câu chuyện hiện tại, khi mà chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam đang bỏ trống. Theo cá nhân ông, ai là người phù hợp để ngồi vào lúc này?
- Nếu chỉ chạy theo thành tích trước mắt và quanh quẩn trong khu vực, tôi ủng hộ HLV Mai Đức Chung. Anh ấy là người am hiểu bóng đá nước nhà nhất và sẵn sàng nhất lúc lày. Còn về lâu dài, tôi nghĩ thuê HLV ngoại sẽ tốt hơn. Người nước ngoài chịu sức ép tốt, làm việc chuyên nghiệp và không biết tiếng Việt nên ít bị ảnh hưởng bởi những tác động bên lề. Lịch sử cũng chứng minh các HLV ngoại có thành tích tốt hơn nhiều so với các đồng nghiệp bản địa ở Việt Nam.
- Kiatisuk Senamaung đang được đề cập đến như một ứng viên sáng giá?
- Cậu ấy đã thất bại với đội tuyển Thái Lan, và mới đây cũng từ chức ở cấp CLB vì thành tích nghèo nàn. Dùng một nhà cầm quân như thế lúc này không hợp lý. Đá bóng hay chưa chắc cầm quân giỏi, và làm tốt ở chỗ này chưa chắc đã hay ở chỗ kia. Bóng đá là khoa học nên đừng mơ hồ, đừng ảo tưởng.
HLV Đoàn Minh Xương sinh năm 1959. Ông từng làm việc ở các CLB như Đồng Tháp, Tiền Giang, U20 Việt Nam, Bình Dương, Quân khu 7, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Bình, TP HCM… từng cùng bóng đá Đồng Tháp vô địch các năm 1989 và 1996, vô địch giải hạng Nhất cùng Quân khu 7 năm 2007. Ông cũng là giảng viên dạy bóng đá của Trường Đại học TDTT TP HCM đồng thời là “cha đẻ” của chương trình Bóng đá học đường đang được Liên đoàn bóng đá TP HCM áp dụng. |
Theo VNE