Đoàn khảo sát của Trung ương làm việc với tỉnh Nghệ An về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ảnh 1

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm Trưởng đoàn.

Làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh, Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số ban, ngành và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TĂNG VỀ SỐ LƯỢNG, KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27. Ảnh: Thành Duy

Trong gần 15 năm qua, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả 5 đề án về xây dựng đội ngũ trí thức, các đề án đã góp phần mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Qua đánh giá, tại Nghệ An đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ trí thức nói riêng tăng về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đội ngũ trí thức tỉnh Nghệ An năm 2008 là 31.952 người (chiếm 39% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn tỉnh), đến năm 2022 tăng lên 65.102 người, tăng 33.105 người so với năm 2008 (tăng trên 100%).

Phó Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Năm 2021, toàn tỉnh có đội ngũ nhân lực gồm 12.175 người, làm việc trong các tổ chức nghiên cứu - phát triển. Đây là nguồn nhân lực chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp tốt, là đội ngũ tiên phong trong các hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh.

Năm 2022, toàn tỉnh có 3.993 nhân lực thực hiện công tác quản lý khoa học và công nghệ ở các sở, ban, ngành. Như vậy, tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đạt 11,87 người/một vạn dân.

Tại cuộc làm việc, đoàn khảo sát và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, sở, ngành, trường đại học trên địa bàn Nghệ An đã trao đổi, làm rõ nhiều nội dung liên quan, nhất là những khó khăn về chính sách trong thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân tài về tình công tác; các vướng mắc, khoảng trống trong các quy định của pháp luật đối với việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu hoặc hình thành mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) về công nghệ của đội ngũ trí thức trong các cơ sở công lập. Cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện đội ngũ trí thức trẻ còn thiếu;…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phân tích những khó khăn, bất cập trong công tác tài chính đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đề nghị cần nghiên cứu chính sách phù hợp, có tính đặc thù về cơ chế tài chính đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học; mặt khác có cơ chế mới cho các viện nghiên cứu, trường đại học.

KHOẢNG TRỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị với đoàn khảo sát Trung ương, sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 và nếu Trung ương quyết định ban hành nghị quyết mới về lĩnh vực này cần yêu cầu ban hành kèm theo chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, qua đó có thể nghiên cứu để ban hành luật và nghị định liên quan để thực hiện cụ thể, hiệu quả hơn.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị với đoàn khảo sát nhiều nội dung liên quan, đặc biệt là trong giai đoạn tới cần khắc phục những hạn chế trong môi trường làm việc cho đội ngũ trí thức cả về tiền lương, cơ sở vật chất, động lực tinh thần; trong đó cần có định mức tiền lương, tiền công cho đội ngũ trí thức cao, đặc thù; định mức tài chính công cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là ở khu vực công; chế độ khuyến khích về đất đai, thuế, vốn cho các viện nghiên cứu công, tư phát triển.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị quá trình tổng kết Nghị quyết số 27 cần nghiên cứu để định hướng, tạo sự đồng bộ nhằm khỏa lấp khoảng trống, sự chồng chéo về pháp luật để đội ngũ trí thức, đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học ở các đơn vị công lập yên tâm công tác, cống hiến.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trong bối cảnh, nhu cầu và động lực phát triển ở nhiều địa phương đang đặt ra yêu cầu cao, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề xuất cần có giải pháp, tính đồng bộ để rút ngắn khoảng cách giữa trình độ và số lượng lực lượng trí thức giữa Trung ương và địa phương; đồng thời tạo được sự kết nối giữa đội ngũ trí thức ở Trung ương, thậm chí là cả quốc tế với cấp tỉnh, tránh tình trạng rời rạc, “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng đề nghị quan tâm hơn nữa công tác đầu tư, nhất là đầu tư cho giáo dục để đào tạo những trí thức có chuyên môn sâu, trình độ cao, phù hợp với quan điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là lấy khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; gắn với đó là có quy trình thống nhất trong phát hiện, đào tạo, bố trí, sử dụng nhân tài.

Từ thực tiễn của Nghệ An hiện vẫn còn thiếu khoảng 6.000 giáo viên, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị qua tổng kết Nghị quyết số 27 phải hết sức chú ý, quan tâm bố trí đủ đội ngũ nhà giáo, đồng thời nghiên cứu lại việc tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục cho phù hợp; mục đích là phải đủ số lượng giáo viên đáp ứng công tác dạy và học vì đây là những người đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng chí Lê Quang Huy - Trưởng đoàn khảo sát của Trung ương phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Lê Quang Huy - Trưởng đoàn khảo sát đánh giá: Nghệ An đã triển khai sớm, bài bản, đẩy đủ Nghị quyết số 27; đồng thời rất trọng dụng trí thức, trí tuệ và đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Đồng thời, trên cơ sở các ý kiến của tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh như: Cơ chế, chính sách được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 27 còn hạn chế, trong đó có cơ chế, chính sách về tài chính còn chưa đồng bộ giữa tài chính, nhà đầu tư, nhà khoa học nên dẫn đến những khó khăn, bất cập trong hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ trí thức trong khu vực công, do đó cần có những chính sách về tài chính đồng bộ, có tính đến yếu tố đặc thù, rủi ro, độ trễ trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho trí thức không phải chỉ của Nhà nước, mà phải xã hội hóa thêm từ nguồn lực bên ngoài.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Lê Quang Huy bày tỏ tâm đắc trước kiến nghị của tỉnh về cơ chế, chính sách đến môi trường xây dựng đội ngũ trí thức phải hội tụ được đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh; đồng thời cũng phải đề cao đạo đức và trách nhiệm của trí thức; cũng như nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong định hướng về nhận thức và tư tưởng đối với đội ngũ trí thức.

Trưởng đoàn khảo sát của Trung ương cũng đồng tình, thống nhất với đề xuất của Nghệ An là trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành nghị quyết mới về xây dựng đội ngũ trí thức phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 27 và nghiên cứu, bổ sung thêm những nội hàm mới; gắn với đó là ban hành chương trình hành động thực hiện cụ thể.