(Baonghean) - Nghệ An có gần 21.000 thanh niên tôn giáo (chủ yếu là theo đạo công giáo). Những năm qua, các cấp đoàn - hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm mở rộng và tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, nâng cao chất lượng phong trào cơ sở ở vùng đồng bào có đạo…

Chuyển động từ cơ sở

Để thu hút, tập hợp đoàn viên thanh niên vùng có đông đồng bào theo đạo tham gia tích cực các hoạt động đoàn - hội, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay, tạo chuyển biến tích cực. 

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi về xã Hưng Tây đúng dịp cán bộ xã, xóm và đoàn thanh niên đang bàn bạc kế hoạch chuẩn bị xây dựng sân bóng chuyền cho người dân và thanh thiếu niên vùng có đông đồng bào theo đạo. Địa điểm được lựa chọn là sân nhà văn hóa xóm Bắc Kẻ Gai 1, Bí thư Đoàn xã Hưng Tây Phan Thị Thúy cho biết: “Hưng Tây có 26 chi đoàn nông thôn, trong đó có 16 chi đoàn.

1498788393324.jpgLễ ra quân chiến dịch tình nguyện hè 2017 tại xã Diễn Thành (Diễn Châu).

Với sự hỗ trợ kinh phí của Huyện đoàn, cùng với sự đóng góp ngày công của người dân, chủ yếu là lực lượng đoàn viên thanh niên, đến nay, Hưng Tây đã hoàn thành xong 2 sân bóng chuyền cho các xóm có đông đồng bào giáo dân, tạo sân chơi để người dân giao lưu thể thao, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó”. 

Bí thư Đoàn xã Hưng Tây còn cho biết, ngoài xây dựng sân bóng, xã còn thường xuyên triển khai các hoạt động phong phú khác như tổ chức sinh hoạt hè, giao lưu bóng đá mini, liên hoan văn nghệ, duyệt nghi thức Đội, ngày Chủ nhật xanh dọn dẹp vệ sinh môi trường, tu sửa các công trình công cộng… thu hút thanh niên tham gia tạo sự gần gũi, gắn bó vì sự phát triển chung của địa phương.

Anh Cao Anh Đức - Bí thư Huyện đoàn Hưng Nguyên cho biết: Hưng Nguyên là địa bàn có 15/23 xã có đồng bào theo đạo công giáo sinh sống với số lượng thanh niên giáo dân khoảng 8.000 người, tỷ lệ tập hợp mới đạt khoảng trên 50%. Bởi vậy, những năm qua Huyện đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên huyện đã triển khai nhiều hình thức đa dạng để thu hút lực lượng thanh niên vùng đặc thù tham gia hoạt động đoàn - hội. Nổi bật là chương trình tu sửa, xây mới sân bóng chuyền cho người dân vùng đặc thù được Hội LHTN huyện phát động từ năm 2013.

Ngoài làm mới 7 sân bóng chuyền cho các xóm vùng giáo ở các xã Hưng Nhân, Hưng Trung, Hưng Tây... trị giá mỗi sân khoảng 20 triệu đồng, chương trình còn hỗ trợ một phần cho các chi đoàn tu sửa, nâng cấp khoảng 15 sân bóng cũ. Bên cạnh đó, Huyện đoàn cũng chỉ đạo tăng cường các hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao giữa khối chi đoàn cơ quan, đơn vị, trường học với các chi đoàn vùng giáo tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư; duy trì cơ chế cán bộ huyện đoàn mỗi tháng ít nhất một lần về dự sinh hoạt chi đoàn cơ sở, ưu tiên các chi đoàn vùng giáo để nâng cao chất lượng sinh hoạt.

Cùng với việc quan tâm đến đời sống tinh thần, Huyện đoàn Hưng Nguyên cũng tích cực hỗ trợ thanh niên vùng đặc thù phát triển các mô hình kinh tế tạo việc làm, nâng cao thu nhập tại địa phương thông qua các hoạt động như chuyển giao KHKT; tập huấn khởi nghiệp, ưu tiên vốn vay từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm, trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương đề nghị tạo điều kiện cho thanh niên thuê đất, giao đất... Đến nay, Huyện đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ xây dựng 7 mô hình thanh niên phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào theo đạo. 

Huyện đoàn - Hội LHTN huyện Nghi Lộc cũng là một trong những đơn vị được đánh giá có sự chuyển biến tốt trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên vùng đặc thù. Tuy là địa bàn có tới 22/30 xóm có đồng bào theo đạo công giáo nhưng các hoạt động đoàn - hội diễn ra khá đồng đều, thanh niên lương - giáo đoàn kết trong các hoạt động của tuổi trẻ.

Cán bộ đoàn xã Nam Lộc chia sẻ về cách đoàn kết, tập hợp thanh niên trên địa bàn xã.

Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc Nguyễn Thị Lê cho hay: “Các phong trào do Huyện đoàn, Hội LHTN huyện phát động luôn hướng vào việc tạo sân chơi cho giới trẻ, tạo gắn bó đoàn kết trong nhân dân. Ngoài các hoạt động văn nghệ, thể thao thường xuyên được tổ chức, thì hàng năm Huyện đoàn Nghi Lộc đều thực hiện ít nhất 1 công trình thanh niên xây dựng quê hương, ví dụ như công trình “Thắp sáng đường quê”; theo đó, lực lượng đoàn viên thanh niên đã tự tay lắp đặt được hơn 400 bóng đèn điện và đường dây cho các tuyến đường ngõ ở 10 xóm trên địa bàn xã, chủ yếu là các xóm có đông đồng bào theo đạo. 

Ngoài ra, Huyện đoàn cũng đã xây dựng thành công mô hình Chi đoàn văn hóa ở xóm Đức Thành, xã Nghi Hoa với 10 tiêu chí, trong đó chi đoàn phải đảm bảo có từ 20 đoàn viên trở lên, duy trì sinh hoạt định kỳ; thực hiện công tác đoàn vụ, đoàn phí đúng quy định, tỷ lệ tập hợp đạt 75% trở lên; không có đoàn viên thanh niên mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật… Nhận thấy tác dụng tích cực của mô hình chi đoàn văn hóa, chính quyền xã Nghi Hoa và các địa phương khác đã triển khai nhân rộng mô hình ở nhiều xóm có đông đồng bào theo đạo.

Còn tại huyện Nam Đàn, là địa phương có 13/24 xã có đông đồng bào theo đạo, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên cũng được chú trọng với nhiều hình thức hoạt động khá đa dạng. Một trong những đơn vị có phong trào đoàn phát triển nổi bật, thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia đó là Đoàn xã Nam Lộc - địa bàn có 93% người dân theo đạo công giáo. Chia sẻ “bí quyết” đoàn kết, tập hợp đoàn viên, thanh niên, Bí thư Đoàn xã Nam Lộc Trần Văn Khang cho biết: Đoàn xã luôn xác định mục tiêu của những hoạt động đoàn thể nhằm tạo sân chơi bổ ích, không khí vui tươi, sôi nổi cho thanh thiếu niên.

Với đội ngũ cán bộ đoàn hơn nửa đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có kỹ năng hoạt động, cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhiều năm nay Đoàn xã Nam Lộc đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực như đảm nhận tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy khe đồng và chặt cây mai dương trên địa bàn xã… một mặt để gây quỹ đoàn, mặt khác thu hút đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động tập thể.

Đoàn xã Nam Lộc còn chủ động tổ chức sinh hoạt toàn đoàn tại trụ sở UBND xã. Các buổi sinh hoạt tập thể luôn thu hút không chỉ lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia mà nhiều người dân cũng đến chung vui khiến không khí xóm làng náo nhiệt, đoàn kết, vui vẻ. Bên cạnh đó, Hội LHTN xã thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao; tặng quà các gia đình khó khăn, những học sinh nghèo học giỏi với kinh phí mỗi năm khoảng 20 triệu đồng… giúp thanh niên trên địa bàn thấy được ý nghĩa và lợi ích khi tham gia các hoạt động đoàn thể.

Đa dạng hóa hình thức tập hợp

Xác định mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên là nội dung quan trọng để giáo dục, bồi dưỡng, động viên và phát huy vai trò thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Tỉnh đoàn - Hội LHTN tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về vùng đặc thù.

Trong đó trọng tâm là củng cố tổ chức đoàn - hội, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn; tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động cốt cán tại cơ sở, đặc biệt là tại các cơ sở yếu kém để tập trung nâng cao chất lượng hoạt động; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn  nhằm nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ công tác thanh vận, đoàn kết tập hợp thanh niên cho đội ngũ cán bộ đoàn vùng có đông đồng bào theo đạo; thành lập các đội thanh niên tình nguyện xung kích cấp xã; hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế; hỗ trợ xây dựng sân chơi thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ; tổ chức 4 đợt tuyên dương điển hình thanh niên tôn giáo trên các lĩnh vực học tập, tham gia phát triển kinh tế, công tác đoàn - hội  cấp tỉnh…

Bên cạnh đó, hàng năm, BTV Tỉnh đoàn- Hội LHTN tỉnh phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh tổ chức nhiều hoạt động đón giáng sinh, chào năm mới có ý nghĩa cho bà con nhân dân vùng giáo; tổ chức thăm, tặng quà các chức sắc, chức việc, đảng viên, cán bộ đoàn, hội cốt cán vùng giáo. 

Theo anh Phan Trọng Lộc - Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên tỉnh, thì: Chỉ tính trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh đã vận động nguồn lực xã hội hóa tổ chức được 4 hoạt động giao lưu thể thao ở các chi đoàn xóm giáo tại xã Hưng Trung (Hưng Nguyên); xã Diễn Quảng (Diễn Châu); xã Công Thành (Yên Thành), xã Nghi Phương (Nghi Lộc); xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai).

Tỉnh Đoàn hỗ trợ đoàn viên thanh niên xã Diễn Hạnh (Diễn Châu) xây dựng sân bóng chuyền.

Hoạt động thu hút đông đảo giáo dân, thanh thiếu nhi và các chức sắc tôn giáo tham gia  tạo sân chơi lành mạnh, đoàn kết trong cộng đồng lương, giáo. Tại mỗi hoạt động, Tỉnh đoàn đã trao tặng 10 suất quà cho các học sinh người công giáo có hoàn cảnh khó khăn và trao tặng suất quà bằng tiền mặt cho các chi đoàn vùng giáo. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa các tổ chức đoàn - hội với chức sắc các tôn giáo và nhân dân ngày càng gắn bó. Chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do đoàn - hội phát động.

Những khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi, những hiệu quả đạt được, công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên tại các vùng có đông đồng bào theo đạo hiện đang gặp những khó khăn nhất định. Hoạt động của đoàn - hội các cấp mặc dù đã được đa dạng hóa, phong phú hơn, nhưng chất lượng của đoàn viên, hội viên chưa cao, tỷ lệ tập hợp thấp, mới chỉ đạt khoảng 50%. Có những chi đoàn phải thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ cốt cán vì sự thay đổi công việc thường xuyên, lực lượng mỏng. Có những địa bàn vẫn “trắng” chi đoàn thanh niên như ở xóm 10 xã Hưng Châu (Hưng Nguyên) vì không có lực lượng tham gia. Trước đó, xóm 9 của xã này cũng chưa có chi đoàn và vừa mới được Huyện đoàn Hưng Nguyên kiện toàn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ thực tế các hoạt động, phong trào đoàn - hội ở một số nơi chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa tập hợp, thu hút được thanh niên vùng đặc thù tham gia; ở nhiều địa bàn tổ chức đoàn - hội thiếu giải pháp hữu hiệu để tập hợp, xây dựng lực lượng nòng cốt trong thanh niên có đạo để gây dựng phong trào. Một bộ phận thanh niên vùng giáo còn mang nặng tư tưởng xa rời giữa đạo với đời, chưa nhiệt tình tham gia các hoạt động do đoàn - hội tổ chức.

Bên cạnh đó, năng lực, trình độ, khả năng tuyên truyền, vận động của cán bộ làm công tác đoàn - hội vùng đặc thù  còn hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên. Mặt khác do khó khăn về kinh phí nên việc tập trung các hoạt động của đoàn - hội tại các đơn vị đặc thù chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung trong tháng thanh niên, chiến dịch tình nguyện hè nên khó tạo được sức lan tỏa, thu hút sâu rộng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên…

(còn nữa) 

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN