Khi đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đi dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm làm việc tại Phi-líp-pin đặt chân xuống sân bay quốc tế Ninoy Aquino vào trưa 21-5, Thủ đô Ma-ni-la của Phi-líp-pin đang ngập trong ánh nắng chói chang. Đang là mùa hè, chỉ có những bồn hoa cùng lùm cây xanh mướt trên con đường từ sân bay về tới khách sạn nơi đoàn Việt Nam cư ngụ trong những ngày ở Phi-líp-pin mới khiến cho thời tiết có vẻ dịu mát hơn.

Khách sạn Sofitel nơi đoàn Việt Nam ở nằm ngay khu trung tâm Vịnh Ma-ni-la, sát với bờ biển. Phi-líp-pin là một quốc gia ven biển may mắn. Vịnh Ma-ni-la có bờ biển trải dài 190km và là một trong những hải cảng tự nhiên tốt nhất trên thế giới. Ngắm biển xanh chuyển sắc vàng cam lúc hoàng hôn và dạo bước trên con đường bên bờ vịnh sẽ khiến người ta quên đi mọi ưu phiền của cuộc sống.

Những ngày này, một sự kiện mang tầm vóc khu vực và thế giới đang diễn ra tại Phi-líp-pin: Hội nghị lần thứ 23 về Đông Á của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ngay cửa khách sạn Sofitel, người ta có thể bắt gặp rất nhiều xe mang thương hiệu siêu sang BMW, Mercedes, Audi… chỉ dành riêng để phục vụ cho những đại biểu tham dự WEF Đông Á 2014. Bên cạnh chuyến thăm làm việc Phi-líp-pin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong những chính khách có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc của WEF Đông Á 2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết lưu bút vào sổ vàng tại Phủ Tổng thống Phi-lip-pin. Ảnh: TTXVN


Cuộc hội đàm hẹp hôm 21-5 giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Phi-líp-pin B. A-ki-nô kéo dài gấp đôi so với dự kiến ban đầu, vì thế mà cuộc hội đàm chính thức kết thúc khá muộn vào lúc chiều tối. Vậy mà không ai bắt gặp nét mệt mỏi trên gương mặt hai nhà lãnh đạo.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm khi ánh hoàng hôn bắt đầu hắt xuống Vịnh Ma-ni-la, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hai bên vừa có buổi hội đàm rất thực chất và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. “Chúng tôi đã đạt được những nhận thức chung quan trọng về phương hướng phát triển quan hệ song phương cũng như hợp tác ở khu vực trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thời gian qua, quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện Việt Nam – Phi-líp-pin tiếp tục phát triển tốt đẹp. Còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng có cuộc hội kiến song phương với Tổng thống A-ki-nô kể từ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của ông từ cuối 2010, cũng là lần đầu tiên thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thống Phi-líp-pin. Trong cuộc hội kiến đó, Tổng thống A-ki-nô từng nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Phi-líp-pin và Việt Nam.

Với vẻ mặt tươi cười, Tổng thống B. A-ki-nô nói rằng ông mong Thủ tướng Việt Nam sẽ có chuyến thăm đáng nhớ đến Phi-líp-pin. Tổng thống A-ki-nô nhấn mạnh, “mối quan hệ hai nước là mối quan hệ rất chặt chẽ và mạnh mẽ”. “Bởi chúng ta đều là các thành viên ASEAN và chúng ta nằm trong cộng đồng người dân ở Đông Nam châu Á. Do đó, chúng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề và thách thức chung, như cơn bão Hải Yến vừa qua là một ví dụ”, Tổng thống A-ki-nô nói. Trong cuộc họp báo, không dưới một lần, Tổng thống B. A-ki-nô nhắc lại lời cảm ơn của Phi-líp-pin đối với sự giúp đỡ và hỗ trợ của Việt Nam trong quá trình cứu trợ và khôi phục đất nước sau bão.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Phi-líp-pin nói thế. Hẳn người ta còn nhớ, cơn bão Hải Yến đã tàn phá Phi-líp-pin ra sao. Những thiệt hại về người và của mà cơn bão này gây ra tưởng như hàng chục năm sau mới có thể phục hồi. Vậy mà, giờ đây, tất cả các chỉ số đều cho thấy Phi-líp-pin sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 ở châu Á trong năm 2014 (chỉ đứng sau Trung Quốc) và đến năm 2020 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới. Sự kiên cường của người dân cũng như nền kinh tế khi đối mặt với những thảm họa như siêu bão Hải Yến đã được cả thế giới biết đến và thực sự gây ấn tượng.

Cũng có lẽ vì thế mà WEF Đông Á 2014 được tổ chức tại Phi-líp-pin lại càng thêm ý nghĩa.

 Thời gian gần đây, Đông Á - Thái Bình Dương được nhắc đến với vai trò là động lực tăng trưởng chính của thế giới kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong báo cáo “Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương” được công bố đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2014. Trong những ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu tham gia đã bàn bạc thấu đáo và đi đến một điểm thống nhất: Nội lực ổn định, gắn kết cao là điều kiện cần để Đông Á “dấn thân” vào cuộc chạy đua kinh tế mà khu vực này được đánh giá là non trẻ và còn nhiều tiềm năng. Đây cũng là nhiệm vụ mà mỗi quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan cần vượt qua để có được lợi ích chung lâu dài. Các hoạt động con thoi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn lần này cho thấy, Việt Nam đã và đang không ngừng thể hiện tinh thần tích cực, góp sức để hoàn thiện việc xây dựng cộng đồng Đông Á trong tương lai.

Hẳn nhiên là trước những hành động gây phức tạp trên Biển Đông gần đây của Trung Quốc như hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì tình hình Biển Đông cũng là một trong những chủ đề được đề cập trong hội nghị.

Những hành động đơn phương của Trung Quốc đã gây nên một “cơn bão” ở Biển Đông. So với Hải Yến, cơn bão này sẽ còn “dữ” hơn. Nó không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam, mà còn có nguy cơ lan ra toàn khu vực. Bởi hòa bình ổn định và tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

Trong bài phát biểu của mình tại WEF 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh hòa bình và ổn định là điều kiện không thể thiếu cho phát triển, trong đó có hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Thủ tướng đặc biệt lưu ý về tình hình rất nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực và thế giới. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và kêu gọi ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Phát biểu của Thủ tướng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đại biểu tại WEF Đông Á 2014.

 Nhưng câu chuyện “chống bão” tuyệt đối không phải, và không thể là câu chuyện về sự kéo bè kết cánh. Mà đó phải là câu chuyện về đoàn kết, bởi chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh.

Một Phi-líp-pin tưởng chừng xơ xác sau sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão Hải Yến giờ đang trên đường là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á trong năm 2014. Một Đông Á vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để trở thành một điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới và là động lực tăng trưởng của toàn cầu. Chính sự gắn kết và đồng lòng của cộng đồng đã giúp cho Phi-líp-pin và Đông Á vượt qua bão dữ. “Cơn bão” ở Biển Đông xuất phát từ hành động đơn phương của Trung Quốc cũng vậy, sức mạnh để hóa giải nó chính là sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại WEF Đông Á 2014: “Sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế”.

Khi đoàn kết với nhau, người ta có thể làm được tất cả!

Theo Quan doi nhan dan