(Baonghean.vn) - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới, sáng 6/9, dưới sự chủ trì của ông Phạm Văn Tấn – Trưởng đoàn đại biểu quốc hội Nghệ An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Việc làm.

 

Luật Việc làm đã được Chính phủ trình và Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vừa qua. Để dự án khi ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật.

 

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình cao việc Quốc hội xem xét, thảo luận về dự án Luật Việc làm gồm 7 chương, 63 điều. Tuy nhiên, theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật không chỉ quy định chính sách hỗ trợ việc làm mà cần phải là quy định chính sách tạo việc làm, bố trí việc làm, giải quyết việc làm và quyền của người lao động. Vì vậy, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần đưa vào dự án các chính sách đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động; bố trí việc làm, giải quyết việc làm, tránh tình trạng người lao động tự tìm việc làm dẫn đến loạn thị trường lao động và lãng phí lao động.

Ông Phạm Văn Tấn phát biểu ghi nhận đầu đủ các ý kiến góp ý của các địa biểu

Quy định về những hành vi nghiêm cấm, theo một số đaị biểu cần bổ sung hành vi nghiêm cám sử dụng lao động hoặc bố trí việc làm vị thành niên và trái pháp luật. Vấn đề được nhiều đại biểu tham gia ý kiến là bảo hiểm thất nghiệp, đây là một chế định tiến bộ nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi thất nghiệp. Tuy nhiên, về đối tượng bảo hiểm, nếu mở rộng toàn bộ đối tượng lao động theo hình thức bắt buộc như dự án luật thì chưa phù hợp với thực tiễn mà nên “gói” gọn lại đối tượng và theo hình thức tự nguyện, không nên áp dụng cho lao động hợp đồng theo mùa vụ có thời hạn dưới 3 tháng.

 

Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về chương đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ngoài nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp theo trình độ của người lao động phù hợp với ngành, nghề và để người lao động hoàn thiện năng lực nghề nghiệp theo như dự án luật thì cần bổ sung, đây là căn cứ cho người sử dụng lao động tuyển dụng, phân công lao động cho người lao động phù hợp với trình độ ngành nghề. Về nguyên tắc, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cần đảm bảo sự tự nguyện, chính xác, đúng bậc trình độ kỹ năng theo quy định tiêu chuẩn kỹ năng quốc gia theo đúng nghề, bậc trình độ.

 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã góp ý một số vấn đề về bố cục và từ ngữ trong dự án luật đảm bảo sự chính xác, thống nhất với các luật định hiện hành liên quan đến người lao động và sát thực tiễn.

 

Các ý kiến góp ý kiến của các đại biểu tại hội nghị sẽ được Đoàn đaị biểu Quốc hội Nghệ An tổng hợp đầy đủ và gửi báo cáo đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 6 tới đây.



Minh Chi