Nhiều giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả

Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc tại tỉnh Nghệ An ảnh 1
Sáng 15/8, đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do đồng chí Mai Thị Phương Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn có cuộc làm việc với tỉnh Nghệ An theo chương trình khảo sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án năm 2022. Ảnh: Mai Hoa

Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Tại cuộc làm việc, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đại diện các sở, ngành cấp tỉnh báo cáo tình hình chấp hành pháp luật đối với các lĩnh vực mà đoàn khảo sát của Quốc hội quan tâm. Trong đó khẳng định, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thông qua ban hành các chỉ thị, nghị quyết, đề án, công điện…

Định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng đều nghe, nắm bắt tình hình và chỉ đạo xử lý các vấn đề, vụ việc cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể; đồng thời tổng kết năm và tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, đề án do Trung ương và tỉnh ban hành.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Trọng tâm từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các cấp phòng, chống đối với hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, tính từ đầu tháng 10/2021 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 290 trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện, bắt giữ 12 vụ, 13 đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19; khởi tố 3 bị can về tội vi phạm trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và giả mạo trong công tác.

Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng tăng cường triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài chính, sử dụng ngân sách, đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản; các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như cầm đồ, game online, vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kinh doanh phụ gia, hoá chất.

Đồng chí Phạm Hồng Trang - Phó Chánh Toà án nhân dân tỉnh báo cáo công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Mai Hoa

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện, xử lý 505 vụ, 630 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản trái phép. Các cấp cũng phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.686 vụ, 2.695 đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; 151 vụ, 160 đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các cấp, các ngành cũng chú trọng triển khai các biện pháp phòng ngừa gắn với phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, kể cả xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã khởi tố, điều tra 28 vụ, 53 bị can; trong đó đã xét xử 3 vụ/8 bị cáo; xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với 4 cán bộ.

Làm rõ nhiều bất cập, khó khăn

Bên cạnh kết quả, từ thực tiễn triển khai các quy định pháp luật, lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh cũng nêu một số khó khăn, bất cập, đề xuất Trung ương tháo gỡ.

Như hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc bảo quản, xử lý tang vật, đồ vật, tài liệu… trong giai đoạn tiền tố tụng; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể ranh giới xử lý hình sự và xử lý hành chính về tội làm nhục người khác; chưa có hướng dẫn để áp dụng thống nhất đối với các căn cứ “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”, “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”…

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh Nghệ An trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng.

Chia sẻ đặc thù tỉnh đất rộng, người đông và có nhiều yếu tố khó khăn, phức tạp chi phối đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; các thành viên đoàn khảo sát của Quốc hội quan tâm đặt ra nhiều vấn đề muốn được làm rõ, nắm bắt thêm thông tin thực tiễn triển khai các quy định pháp luật cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập phục vụ quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tham gia cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Trong đó, tập trung vào nội dung liên quan đến các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai như chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Khó khăn, bất cập trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về đất đai, đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác chỉ đạo, quản lý đối với người nghiện ma tuý; trong thi hành án dân sự; các hình thức xử phạt các tội phạm tham nhũng…

Các thành viên đoàn khảo sát của Quốc hội. Ảnh: Mai Hoa