(Baonghean) - Sau khi tốt nghiệp Trường THPT 1-5 Nghĩa Đàn năm 2014, Đỗ Ngọc Sơn trở thành chàng sinh viên khoa Kinh tế Đối ngoại (Đại học Ngoại thương Hà Nội). Cái tên Đỗ Ngọc Sơn không những gây ấn tượng bởi bảng thành tích khủng, mà còn để lại dấu ấn với vai trò là một người dẫn chương trình (MC) tài năng. Chàng trai đến từ miền đất đỏ ấy còn được biết đến với vai trò là Chủ tịch Câu lạc bộ MC và Thời trang Ngoại thương (MFC - FTU).

Sinh viên Đỗ Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC
Đõ Ngọc Sơn trên sân khấu dẫn chương trình CMA GRAND CONFERENCE của AFA Research and Education và Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia). Ảnh: NVCC.

Hiện Sơn là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Không chỉ có bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, mà còn rất năng động trong các công tác ngoại khóa. Đỗ Ngọc Sơn không chỉ thử sức mình trong các dự án liên quan đến ngành học của mình như Dự án hỗ trợ và phát triển Doanh nghiệp xã hội VSEED hay Green Seeds project mà còn tham gia các công việc khác như MC tại Đài Truyền hình VTC, giáo viên dạy MC. Ngoài ra, Sơn còn xuất sắc trở thành Đại sứ sinh viên của FPT Telecom và nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn.

Xuất phát điểm là sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, lý do nào khiến Sơn bén duyên với công việc MC và trở thành Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB)  MC và Thời trang Ngoại thương (MFC) sau 3 năm tham gia?

Tuy ngành học của em tại Đại học Ngoại thương là trường đào tạo về kinh tế nhưng trong trường có rất nhiều đội nhóm theo sở thích. Vì thích làm một người dẫn chương trình từ bé nên em đã đăng ký vào Câu lạc bộ MC và Thời trang khi còn là sinh viên năm nhất. Trong gần 40 câu lạc bộ tại trường đại học thì  MFC là câu lạc bộ em nộp đơn đầu tiên.

Trong quá trình hoạt động tại CLB em luôn cố gắng trau dồi khả năng MC cũng như tham gia các chương trình của CLB khá tích cực, có lẽ vì thế nên được mọi người tin tưởng giao cho chức Chủ tịch CLB MFC. Bản thân em cảm thấy mình cũng rất may mắn vì trong CLB có khá nhiều bạn giỏi và tài năng.

Rất nhiều người khi thấy những thành tích, có thể nói đúng hơn là những thành công bước đầu của một chàng trai trẻ tuổi đã tò mò muốn hỏi về điểm khởi đầu của thành công ấy? Nó bắt nguồn từ đâu vậy?

Có nhiều bạn trẻ cũng đã tò mò hỏi em: Sơn có phải “con nhà nòi” không? Thực sự em xin được chia sẻ: Bố mẹ em là những người kinh doanh, buôn bán nhỏ ở quê. Học cấp 3 em cũng học một trường bình thường ở quê nhà. Luôn nhắc mình phải cố gắng trong học tập và trong cuộc sống, đặc biệt là biết mơ ước và theo đuổi đam mê, đó có thể xem là một khởi đầu.

Em có may mắn là được gia đình ủng hộ mình theo đuổi những đam mê. Chẳng hạn như với “nghề” dẫn chương trình.  Có thể nói niềm đam mê MC của em đã hình thành từ bé, khi mỗi tối cả gia đình em đều rất thích xem các chương trình gameshow như “Ai là triệu phú”, “Hãy chọn giá đúng”... Nhìn những cô, chú MC trên vô tuyến, em mê lắm, cứ ước ao rằng, lớn lên sẽ trở thành một người dẫn chương trình.

Chính niềm đam mê đã “dẫn lối” để em mạnh dạn tham gia các chương trình ngoại khóa ở lớp học, ở địa phương. Bản thân em cứ luyện tập một mình hay bất cứ khi nào có thể về cách ăn nói, cách ứng xử... Hồi còn đi học, em hay tổ chức các cuộc thi bắt chước trên truyền hình và mình đóng vai trò MC như "Ai là triệu phú", "Chiếc nón kỳ diệu"... Dần dần, chính sự luyện tập và những va chạm qua các chương trình, các hoạt động mà em có được sự tự tin, chững chạc…

Đỗ Ngọc Sơn nghiên cứu và học tập tại trường. Ảnh: NVCC

Không thể không nhắc đến một người có ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn của em, đó chính là bố. Em nhớ, ngày em còn nhỏ, bố luôn nói rằng dẫn chương trình là một nghề rất hay và mang lại cho bản thân nhiều điều: sự linh hoạt, sự hiểu biết, cách ứng xử… Bố cũng là người thường xuyên động viên để em có được niềm tin vào những gì mình theo đuổi.

Là một người con Nghệ An nhưng khi đứng trên sân khấu trong vai trò MC, Sơn lại nói giọng chuẩn Hà Nội. Hẳn rằng Sơn có những bí quyết trong “điều chỉnh” giọng nói cũng như rèn luyện? Và đó cũng là những khó khăn mà Sơn phải vượt qua?

Giọng nói là yếu tố tiên quyết của một người dẫn chương trình. Chính vì vậy, giọng Nghệ, bên cạnh cái đẹp xét trên góc độ văn hóa thì mặt khác lại là một trở ngại đối với một MC trong các chương trình lớn, đòi hỏi sự gắn kết, lan tỏa rộng rãi. 

Chính vì vậy, em nghĩ mình phải cố gắng gấp đôi so với các bạn ở các vùng miền khác có lợi thế về giọng nói. Thật ra, ban đầu giọng nói của em vẫn bị “ngọng”, tập mãi mà vẫn khó sửa. Có lúc em cũng mệt mỏi, chán nản khi phải tập “giọng chuẩn”. Thế nhưng, em đã hạ quyết tâm: phải thành công. Một mình khó luyện thì phải nhờ đến bạn bè giúp đỡ.  

Bí quyết của em là luyện đọc thật nhiều. Hồi đấy ngày nào em cũng đọc 50 trang sách, nhờ các anh chị và bạn bè giúp đỡ sửa cho mình các âm, các dấu. Cứ kiên trì như vậy suốt 3 tháng ròng để có thể thành thục “giọng Hà Nội”. Em nhận ra, không có công việc nào mình không làm được, quan trọng là mình có đam mê cũng như dành hết sức mình để làm nó hay không.

Giọng quê, như Sơn nói, có đôi khi vẫn mang đến trở ngại? Vậy có điều gì mà Sơn cảm thấy đất quê mang đến cho mình không? Theo Sơn, những yếu tố quan trọng để trở thành một MC giỏi là gì? 

Em nghĩ rằng quê hương Nghệ An mảnh đất của những con người chăm chỉ, chịu khó đã một phần nào đó tạo nên đức tính của bản thân em. Quê nhà, nơi ấy có người thân, có bè bạn cũng đã luôn dõi theo em, họ là nguồn động viên lớn lao nhất để em luôn biết vươn lên, kiên trì, cố gắng. 

Trở thành một người dẫn chương trình giỏi luôn là điều em mong muốn. Và theo em, bên cạnh chất giọng cuốn hút, một MC rất cần sự hoạt ngôn, phong thái tự tin, xử lý tình huống nhanh… Tuy nhiên, em đánh giá yếu tố quan trọng nhất là khả năng quan sát. Điều này em được chị BTV Thu Hà của chương trình Thời sự VTV truyền đạt lại trong một lần cùng chị dẫn chương trình. Chị nói, là MC giỏi không chỉ là MC nói hay, nói chuẩn mà còn phải có sự quan sát để từ đó mình có thể nắm bắt được tất cả và trở nên làm chủ chương trình hơn. 

Đã từng dẫn khá nhiều chương trình lớn nhỏ khác nhau, Sơn có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình? 

Em từng dẫn một số chương trình của Đài VTC như Tôi lên tiếng, Một ngày tôi đi, Bản tin công nghệ, Khởi nghiệp và các chương trình của Đoàn Thanh niên như Giao lưu sinh viên tình nguyện Việt Nam - Ai len, Lễ hội Tết sẻ chia, Tết yêu thương,...

Tuy nhiên, em vẫn nhớ nhất khoảnh khắc mình làm MC trong chương trình “Nhảy vì sự tử tế” do Trung ương Đoàn tổ chức. Hôm đó, em dẫn ở tượng đài Lý Thái Tổ trong thời tiết rất nắng nóng nhưng hàng nghìn bạn sinh viên vẫn nhảy rất nhiệt tình và hết mình. Em còn được giao lưu với MC Phan Anh và chứng kiến màn đấu giá bức tranh với số tiền hơn 60 triệu đồng ủng hộ trẻ em nghèo.

Đỗ Ngọc Sơn dẫn chương trình trong Lễ hội “Gói bánh chưng, gói yêu thương” Tết Đinh Dậu năm 2017 tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Là Chủ tịch CLB MC và Thời trang ĐH Ngoại thương chắc hẳn phải mang trách nhiệm nặng nề, Sơn cân bằng giữa việc học và các hoạt động bên ngoài như thế nào? Sơn có dự định gì trong tương lai?

Đây cũng là câu hỏi nhiều bạn bè và người thân của em luôn thắc mắc. Em cũng xin chia sẻ mình có một bí quyết là không bao giờ để thời gian chết. Khi nào rảnh rỗi thì em sẽ đưa sách vở ra để học để đọc, để làm bài tập trên lớp hoặc mang máy tính ra làm việc. Thời gian còn lại, em tham gia các hoạt động bên ngoài.

Nói chung là em luôn quý trọng quỹ thời gian trong ngày và không bao giờ để nó lãng phí. Dự định trong tương lai của em là muốn học lên thạc sỹ ở nước ngoài, tuy nhiên, điều đó còn phải phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cũng như sự cố gắng của mình. Bên cạnh đó, em vẫn muốn được sống với niềm đam mê MC của mình, tuy là một doanh nhân hay một ai đó thì em vẫn muốn được gắn bó với cái tên MC.

Có thể nói, Sơn là một người trẻ biết “truyền cảm hứng”. Sơn có thể chia sẻ bí quyết hay phương châm sống của mình với các bạn trẻ được không? 

Không phải ai cũng có đam mê cho một điều, hay một công việc gì đó, chính vì vậy, khi xác định được đam mê của mình, mình thực sự thích nó, mình thực sự thích làm điều đó, thì hãy luôn luôn tự tin để bước tiếp dù phía trước có gian nan, khó khăn đến mức nào để rồi khi bạn đến được bến đỗ thành công hay bờ vực của sự thất bại thì bạn vẫn không hối tiếc rằng mình đã bỏ lỡ niềm đam mê của mình

Cảm ơn Sơn về buổi trò chuyện. Chúc bạn sẽ ngày càng thành công trong tương lai!

Thùy Vinh - Thục Trinh 

TIN LIÊN QUAN