Chất Nghệ giữa nắng gió Trường Sa
Trường Sa Lớn những ngày trung tuần tháng hai, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ đang khẩn trương, sôi nổi luyện tập đội ngũ, ngắm bắn mục tiêu, sơn sửa doanh trại, vệ sinh môi trường cho mùa huấn luyện mới. Mùa "hội quân" ở giữa bộn bề sóng nước Trường Sa nắng cháy da cháy thịt và nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng những người lính trẻ. Đó là sự khác biệt với đất liền.
Dưới nắng vàng như rót mật, khẩu đội 12,7 ly đang “căng mắt” với bài tập bắn mục tiêu tàu đổ bộ từ biển xa. Trên sân băng, cán bộ chiến sĩ phân đội 1 đẫm mồ hôi trong đội hình diễu duyệt. Ở phía cầu cảng Trường Sa lớn, tốp chiến sĩ trẻ tranh thủ giờ giải lao làm bia bắn mục tiêu bộ binh. Xóa tan mệt nhọc, vơi bớt mồ hôi của những người lính trẻ trên nắng lửa thao trường là tiếng ê a của học sinh Trường Sa dưới mái nhà còn thơm mùi ngói mới.
Thêm một mùa huấn luyện ở “quần đảo bão tố”, chàng lính trẻ có nước da bánh mật quê xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc - Nghệ An Thái Viết Nhị ở Đảo Nam Yết luôn có quan niệm rằng, nhiệm vụ của người lính Trường Sa là huấn luyện SSCĐ và chiến đấu thắng lợi. Để có khả năng cơ động, trình độ và kỹ năng chiến đấu cao, phải đổ mồ hôi trên thao trường nắng lửa: "Nắng Trường Sa cháy da cháy thịt, nhưng ăn thua chi khó nhọc ở quê nhà. Làm nhiệm vụ ở Trường Sa đã là một hãnh diện, thì dù khó khăn vất vả thế nào tôi luôn cố gắng. Tôi người quê xứ Nghệ, sinh ở gia đình có truyền thống cách mạng, nên chuyện nắng gió thao trường, khó khăn gian lao là bình thường" - Nhị chia sẻ.
Hỏi chuyện gia đình, quê hương, Nhị cho biết, quê nhà anh còn bố mẹ già yếu, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Vợ dạy học, con còn nhỏ: "Nhiều khi phải gác lại chuyện riêng tư gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Là người lính Trường Sa, điều quan trọng nhất là cống hiến, thầm lặng hi sinh cho Tổ quốc". Nghe Nhị nói, chúng tôi xúc động và cảm phục người lính xứ Nghệ ở "đảo thép" giữa trùng khơi này.
Lần đầu tiên bồng súng đi đều chuyển bước tiếp lệnh giữa nắng gió Trường Sa lớn, chàng lính trẻ quê gốc Đô Lương Nghệ An - binh nhất Trần Đức Kiên luôn tự hào hãnh diện vì được góp sức trẻ của mình cho Trường Sa. Kiên bảo: “Là người con xứ Nghệ, em muốn ra Trường Sa để thỏa sức mình. Không chỉ em mà các đồng chí khác quê Nghệ An cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Truyền thống quê hương, sự trau dồi rèn luyện đã giúp em trưởng thành”.
Nằm trong “chiến tuyến” canh biển, giữ trời, cán bộ chiến sĩ ngoài 15 “pháo đài thép” cũng đang “tăng tốc” cho mùa xuân huấn luyện mới với những “khoa mục” huấn luyện chuyên biệt của lính “đầu đội trời, chân đạp sóng”.
Từ nhà giàn DK1/7, Nguyễn Hùng Cường - chàng Thiếu úy trẻ quê Nghệ bộc bạch: "Sau Tết Nguyên đán Canh Tý, nhà giàn đã nhanh chóng tổ chức huấn luyện các phương án bảo vệ, bắn mục tiêu trên không, mặt biển, rèn luyện sức khỏe, đẩy mạnh tăng gia trồng rau xanh câu cá phục vụ đoàn kiểm tra trước ngày “hội quân”. Chúng tôi coi đây là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020. Thời tiết hiện tại ở nhà giàn DK1 nắng như đổ lửa từ sáng đến chiều tối. Song với tinh thần “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”, “mùa xuân tăng tốc”, chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Thêm một mùa xuân “gác biển” ở “pháo đài thép”, người lính trẻ đeo quân hàm Trung úy chuyên nghiệp quê ở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Nghệ An, anh Thái Văn Hầu luôn tâm niệm rằng, để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc vững chắc trong thời bình, phải tăng cường huấn luyện, cọ xát thực tế; qua huấn luyện để rèn luyện bản lĩnh chiến đấu và tác phong nhanh nhẹn cơ động của bộ đội.
“Em chuyên ngành pháo thủ với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời vùng biển DK1. Là lính trẻ, em nghĩ chẳng gì đẹp hơn được cống hiến sức lực cho Tổ quốc. Với em, được làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1 là một vinh dự. Ai cũng nói DK1 khó khăn gian khổ, nhưng nếu không có những người lính DK, ai là người bảo vệ nhà giàn, ai giữ biển bình yên? Đã là người lính, việc thầm lặng cống hiến, thậm chí hi sinh cũng là lẽ thường”- Thái Văn Hầu chia sẻ trong tâm thế xúc động.
Hội quân giữa mùa xuân
Ngày 1/3 tới đây, quần đảo Trường Sa và 15 nhà giàn DK1 ra quân huấn luyện. Để ngày ra quân huấn luyện thực sự là ngày "hội quân" của những người lính biển, ngay từ bây giờ, 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân và 15 nhà giàn DK1 đang "tăng tốc".
Chính trị viên đảo Trường Sa lớn, Trung tá Đinh Văn Cường chia sẻ, sau Tết Nguyên đán Canh Tý, tinh thần cán bộ chiến sĩ rất phấn khởi. Một mặt dư âm mùa xuân vẫn còn đọng trong lòng lính trẻ, một mặt quà xuân từ gia đình gửi tặng cho các chiến sĩ vẫn còn “ăm ắp” trong ba lô.
“Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa rất phấn khởi và sẵn sàng bước vào mùa huấn luyện mùa xuân mới. Để cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, dạn dày sóng gió, công tác bồi dưỡng tư tưởng chính trị được tiến hành thường xuyên. Đối với các chiến sĩ trẻ lần đầu đón Tết ngoài đảo và lần đầu huấn luyện giữa nắng gió Trường Sa, ngoài sự quan tâm cả vật chất và tinh thần, chúng tôi luôn chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ, anh em thuận hòa coi nhau như người trong một gia đình”- Trung tá Cường cho biết.
Cũng như Trường Sa Lớn, đảo nổi Trường Sa Đông những ngày này đang tất bật luyện tập cho ngày “hội quân”. Ngoài luyện tập đội ngũ, các bài võ thể dục tay không, cán bộ chiến sĩ còn rèn luyện thể lực đẩy tạ, co tay xà đơn và các bài bắn “chuyên biệt quân sự” như ngắm bắn mục tiêu bộ binh mặt biển, đối không. Trung tá Hoàng Văn Phước, chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông cho hay: “Muốn bộ đội thuần thục động tác yếu lĩnh chiến đấu thì phải huấn luyện vững chắc, để bộ đội có bản lĩnh chiến đấu gan dạ kiên cường, dũng cảm, chịu đựng cam go, vượt qua thử thách thì phải rèn luyện. Càng những nơi khó khăn, gian khổ, càng coi trọng huấn luyện”...
Huấn luyện bảo vệ biển, đảo là chương trình huấn luyện chuyên biệt đặc thù. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống, mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân Trường Sa, DK1 phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định. Tăng cường huấn luyện để nâng cao khả năng và trình độ chiến đấu, sẵn sàng hi sinh quên mình. Muốn làm được như vậy, phải huấn luyện “cơ bản, thiết thực, đồng bộ, chuyên sâu”, lấy thao trường làm chiến trường, lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc làm mục tiêu huấn luyện.