(Baonghean) - Sau hơn 5 năm (2010 - 2016), thực hiện xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Đô Lương từ chỉ có 124 tiêu chí đến nay đạt 454 tiêu chí, tăng 58 tiêu chí so với năm 2015 (bình quân mỗi xã tăng 2,36 tiêu chí). Địa phương phấn đấu đến năm 2020 có 26 xã đạt chuẩn NTM để huyện Đô Lương trở thành huyện nông thôn mới.
Khí thế xây dựng NTM
Đặng Sơn là 1 trong 7 xã của huyện Đô Lương đăng ký hoàn thành các tiêu chí và về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2017. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ và nhân dân, tính đến hết tháng 5 xã đã cơ bản hoàn thành 17/19 tiêu chí đạt chuẩn xã nông thôn mới. Để đạt được thành tích như vậy, trong 4 năm qua, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động và được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Hoàng Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện xã còn 2 tiêu chí là trường học và chợ. Với tiêu chí trường học hiện xã chỉ còn cấp học mầm non chưa đạt chuẩn do xã đang xây dựng mới cơ sở vật chất, phấn đấu chậm nhất đến tháng 10/2017 sẽ đón nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Còn tiêu chí chợ do địa bàn gần trung tâm huyện nên nhu cầu người dân chưa cần quy hoạch chợ lớn, vì vậy xã đã trình xin huyện quy hoạch chợ đến năm 2020 mới triển khai. Cùng đó, xã Đặng Sơn tiến hành khởi công xây dựng nhà văn hóa đa chức năng 4,5 tỷ đồng; nâng cấp sân vận động xã từ 9.000 m2 lên 14.000 m2, đáp ứng nhu cầu hoạt động vui chơi và là nơi tổ chức các hoạt động quan trọng của xã.
Xã Đông Sơn hiện đã đạt 14/19 tiêu chí NTM. Đến thăm mô hình phát triển kinh tế trang trại của ông Trần Văn Thanh (xóm Thống Nhất, xã Đông Sơn) là một trong những mô hình tiêu biểu góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê Đông Sơn trong xây dựng NTM; ông Thanh cho biết: Người dân chúng tôi xác định, muốn xây dựng NTM trước tiên mỗi gia đình phải tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ đó có điều kiện đóng góp ủng hộ xóm, xã xây dựng các công trình phúc lợi... Gia đình tôi có hơn 3ha trang trại, đã chuyển đổi sang trồng chuyên canh cây cam và chè, mỗi năm tổng thu nhập xấp xỉ 300 triệu đồng; từ đó tham gia đầy đủ các khoản đóng góp của xóm, của xã phát động để mở đường, xây dựng mương thoát nước, kiên cố hóa trường học...
Ông Võ Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: Từ nay đến cuối năm 2017 xã phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí, đồng thời giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và cơ bản đã đạt. Để đạt các tiêu chí còn lại, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức xây dựng NTM một cách đa dạng hơn, đồng đều hơn. Chú trọng hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa của 9 xóm trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công, nâng cấp sân vận động xã, chợ nông thôn, nghĩa trang và một số công trình khác.
Trong các xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2017 của huyện Đô Lương, hầu hết các tiêu chí phải tập trung cao để thực hiện là: Giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn và cơ sở vật chất văn hóa. Theo lãnh đạo huyện Đô Lương, nếu như không có cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các dự án thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo việc làm thì tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng NTM đó là thu nhập cho người dân vẫn khó thành hiện thực. Những năm qua, huyện Đô Lương đã trích hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 42 mô hình phát triển sản xuất đưa lại hiệu quả cao với sức lan tỏa ngày càng lớn, như nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP, thâm canh lúa chất lượng cao...
Phấn đấu đến năm 2020 có 26 xã đạt chuẩn NTM
Sau hơn 5 năm (2010 - 2016) xây dựng nông thôn mới, Đô Lương từ huyện chỉ có 124 tiêu chí đến nay đạt 454 tiêu chí NTM, tăng 58 tiêu chí so với năm 2015 (bình quân mỗi xã tăng 2,36 tiêu chí). Các xã có tiêu chí tăng gồm: tăng 5 tiêu chí (Xuân Sơn, Lạc Sơn, Đông Sơn), tăng 4 tiêu chí (Tràng Sơn, Giang Sơn Đông), tăng 3 tiêu chí (Bắc Sơn, Lam Sơn, Đặng Sơn, Đà Sơn, Thuận Sơn, Ngọc Sơn), tăng 2 tiêu chí (Hiến Sơn, Đại Sơn, Giang Sơn Tây), tăng 1 tiêu chí (Hồng Sơn, Trung Sơn, Minh Sơn, Mỹ Sơn, Bài Sơn, Quang Sơn). Trong năm 2016, có 3 xã: Tràng Sơn, Xuân Sơn, Lạc Sơn đạt 19/19 tiêu chí, được tỉnh công nhận xã nông nông thôn mới (đạt 150%) so với kế hoạch tỉnh giao, nâng tổng số xã đạt nông thôn mới toàn huyện lên 10 xã.
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Để xây dựng NTM thành công và có yếu tố bền vững, huyện xác định việc huy động nội lực là nhân tố quan trọng hàng đầu, bởi khi lòng dân đồng thuận thì việc gì cũng xong. Song, để làm được việc này không dễ vì điều kiện kinh tế từng xã khác nhau, do đó phải thành lập và kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở. Ngoài việc đốc thúc giám sát quá trình thực hiện, các thành viên Ban chỉ đạo nắm bắt và lắng nghe ý kiến của từng hộ dân, từ đó việc vận động luôn được người dân đồng tình ủng hộ từ việc hiến đất, hiến cây để mở rộng đường đến bỏ ngày công, đóng góp tiền xây dựng các công trình. Từ năm 2011 đến năm 2016, toàn huyện đã huy động được 458 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước (TW, tỉnh, huyện, xã) hỗ trợ: 308,5 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chương trình: 24,03 tỷ đồng); vốn tín dụng: 15,3 tỷ đồng; vốn đầu tư của doanh nghiệp: 8,4 tỷ đồng; vốn dân góp: 111,8 tỷ đồng; vốn huy động khác (xã hội hóa, con em xa quê hương, các đơn vị đóng trên địa bàn: 14,2 tỷ đồng. Các xã huy động được nguồn lực lớn cho xây dựng NTM gồm: Hiến Sơn, Xuân Sơn, Tràng Sơn, Thượng Sơn, Đại Sơn, Đặng Sơn, Lam Sơn, Trung Sơn. Toàn huyện đã hiến 78.972 m2 đất (đất nông nghiệp, đất thổ cư) để mở rộng đường GTNT, giao thông nội đồng xây dựng NTM. Người dân đã đóng góp các vật liệu: cát, đá, sỏi... để làm đường giao thông nông thôn tương đương 12 tỷ 082 triệu đồng; các xã làm tốt như: Hiến Sơn, Nam Sơn, Tràng Sơn, Trù Sơn, Xuân Sơn, Minh Sơn, Hồng Sơn, Đặng Sơn, Lam Sơn.
Năm 2017, huyện tiếp tục chỉ đạo 10 xã đã được công nhận xã nông thôn mới, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đồng thời tập trung chỉ đạo 8 xã: Lưu Sơn, Trung Sơn, Đặng Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Đông Sơn, Bắc Sơn, Lam Sơn cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 26 xã đạt xã NTM để huyện Đô Lương trở thành huyện NTM.
Một số chỉ tiêu đến năm 2020 huyện Đô Lương đặt ra: Thu nhập bình quân 72 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 80%, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; trên 98,5% dân dùng nước hợp vệ sinh; 85% trường học đạt chuẩn quốc gia; 60-65% làng, xóm, khối phố đạt chuẩn văn hóa; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, 80- 85% rác thải được thu gom, xử lý đúng quy định. |
Thanh Thủy