(Baonghean) - Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 – NQ/TƯ ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần rèn luyện, bồi dưỡng thực tế cho lực lượng cán bộ thuộc diện quy hoạch lãnh đạo xã, huyện, Đô Lương đã mạnh dạn thực hiện luân chuyển theo 2 phương thức “ dọc” và “ngang”. Bước đầu, việc luân chuyển đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận…

images959384_img_8324.jpgCán bộ huyện luân chuyển về xã Hồng Sơn trao đổi với người dân.

Mạnh dạn luân chuyển “dọc” 

háng 6/2012, Huyện ủy Đô Lương quyết định điều đồng chí Nguyễn Hồng Xuân (SN 1977)  Bí thư Huyện đoàn về xã Hồng Sơn làm Bí thư Đảng ủy; cùng lúc, đồng chí Trần Hoàng Anh (SN 1974) Phó Chánh Thanh tra huyện được giới thiệu và được HĐND xã bầu làm Chủ tịch UBND xã.
 
Lúc này xã Hồng Sơn đang gặp khó khăn và yếu kém trên một số lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ xã đang có “vấn đề” về đoàn kết nội bộ; trình độ năng lực của một số cán bộ còn hạn chế so với nhiệm vụ được giao. Đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn do mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, trong khi các ngành nghề khác khó có điều kiện phát triển. Những điều đó, khiến cho những ai quan tâm không khỏi lo lắng cho hai cán bộ huyện luân chuyển.
 
Sau gần 2 năm có bí thư và chủ tịch mới, xã Hồng Sơn đã có một cú lội “ngược dòng” khá ấn tượng. Từ một địa phương có nguồn thu thấp, nhưng năm 2013, thu ngân sách đạt 570 triệu đồng, vượt 4% kế hoạch đề ra. Các lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, xây dựng, giáo dục - đào tạo, y tế, an sinh xã hội cũng có nhiều biến chuyển so với trước. Quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn xóm được củng cố, kiện toàn. Phần lớn cán bộ lãnh đạo ngành, đoàn thể, chuyên môn phát huy được năng lực do bố trí đúng sở trường, đúng vị trí; 4 cán bộ được cấp ủy tạo điều kiện thuận lợi để theo học đại học tại chức. Những vướng mắc trong nội bộ được cấp ủy, chi bộ giải quyết kịp thời, ổn thỏa để tập trung lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, 2 năm liên tiếp (2012, 2013), Đảng bộ Hồng Sơn giành lại danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”. Qua thực tế, đội ngũ cán bộ địa phương đã xuất hiện những nhân tố mới, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo xã trong thời gian tới. 
 
Ông Nguyễn Cảnh Minh, Chủ tịch HĐND xã Hồng Sơn nhận xét “Việc hai cán bộ huyện cùng lúc về giữ hai vị trí lãnh đạo chủ chốt của xã đã kịp thời “hóa giải” những khó khăn về công tác tổ chức cán bộ mà chúng tôi đang gặp phải”. Nhiều người dân trong xã thì viết đơn đề nghị hai cán bộ “tăng cường” của huyện nên ở đây lâu hơn để giúp xã, giúp dân. 
 
Nguyễn Hồng Xuân và Trần Hoàng Anh là 2 trong 7 cán bộ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể thuộc thế hệ 7X của huyện Đô Lương được chọn về làm cán bộ chủ chốt xã từ năm 2012 đến nay. Đó là những cán bộ thuộc diện “quy hoạch” đang giữ các chức vụ trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, trong đó có 1 Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, 3 Huyện ủy viên. Họ được điều về cơ sở để đảm nhận chức vụ bí thư hoặc chủ tịch các xã: Tràng Sơn, Giang Sơn Đông, Đặng Sơn. Riêng 2 xã Mỹ Sơn và Hồng Sơn cả hai vị trí này đều do cán bộ huyện cùng lúc về đảm nhận. Cho đến nay, sau gần 2 năm Đô Lương thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ huyện về xã cho thấy, hầu hết cán bộ luân chuyển tiếp cận nhanh với môi trường làm việc mới;  phát huy được khả năng công tác, vai trò trách nhiệm, được cán bộ và nhân dân trên địa bàn tín nhiệm. Theo đồng chí Nguyễn Trung Thành, Bí thư Đảng bộ xã Mỹ Sơn, nguyên Chánh Văn phòng UBND huyện thì bản thân trưởng thành thêm một bước về cả nhận thức đến khả năng thực tiễn, nắm bắt được phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn.  
 
Thận trọng luân chuyển “ngang”
 
Tháng 10/2013, Huyện ủy ban hành Đề án luân chuyển, bố trí lại cán bộ chủ chốt ở cơ sở năm 2013 – 2015 và những năm tiếp theo.
 
Trong số 207 cấp ủy viên giữ các vị trí  lãnh đạo chủ chốt ở 33 đảng bộ xã, thị trấn trên địa bàn, số có độ tuổi dưới 40 chỉ chiếm 10,1%, từ 41 đến 50 tuổi chiếm 45,4%; có 26 đồng chí đang đảm nhận chức vụ ở nhiệm kỳ thứ 2. Nhìn chung đội ngũ cán bộ chủ chốt phần lớn giữ được phẩm chất đạo đức, gắn bó với dân, trình độ kiến thức ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng chậm được đổi mới, có cấp ủy chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt là khi xử lý các vấn đề nhạy cảm, tính chiến đấu trong tổ chức đảng chưa cao. Trong khi đó, một số cán bộ đảm nhận vị trí lãnh đạo chủ chốt gần 2 nhiệm kỳ, tư duy đang có xu hướng trì trệ, bảo thủ. Thậm chí một người còn mắc bệnh độc đoán, chuyên quyền kéo bè cánh, làm mất đoàn kết nội bộ.
 
Đồng chí Lê Minh Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Mục đích luân chuyển, bố trí lại cán bộ chủ chốt ở cơ sở là để thay đổi địa bàn, môi trường, lĩnh vực công tác nhằm tiếp tục rèn luyện bồi dưỡng và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Đồng thời “luân chuyên ngang”, bố trí lại ở cấp cơ sở còn nhằm khắc phục, ngăn chặn mầm mống nội bộ mất đoàn kết, tạo điều kiện rèn luyện phấn đấu của đội ngũ cán bộ và công chức cơ sở.
 
Thực hiện đề án trên, trong tháng 4/2014 này, Đô Lương đang làm các thủ tục cần thiết để một số cán bộ chủ chốt thuộc các xã Lưu Sơn, Đà Sơn, Đông Sơn, Thị trấn thực hiện kế hoạch “luân chuyển ngang”. Đây là số cán bộ xã luân chuyển ngang đầu tiên. Huyện đang làm một cách thận trọng để rút kinh nghiệm cho những lần luân chuyển tiếp theo. Đồng chí Trần Hữu Vinh, Bí thư Đảng bộ xã Lưu Sơn cho biết: Thực hiện quyết định của Huyện ủy, anh đã sẵn sàng mọi việc để sang  làm Bí thư Đảng ủy xã Đà Sơn, kể ra có xa một tí nhưng lại được “thử sức” mình ở địa bàn mới.  
 
Những băn khoăn
 
Có thể nói, công tác luân chuyển cán bộ huyện về xã ở Đô Lương đã đạt được một số kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực: nâng cao trình độ cán bộ; chuyển biến phong trào ở địa phương; đào tạo, quy hoạch nguồn cán bộ có triển vọng của huyện và xã. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề băn khoăn. Liệu có đúng không khi vị trí ở huyện của cán bộ luân chuyển vẫn “để trống”, thay vào đó chỉ có cấp phó làm “quyền”. Điều đó có thể tạo cảm giác “yên tâm” cho cán bộ về xã nhưng cũng tạo cho họ tư tưởng chuyến đi này mang tính một khóa “đi thực tế”. Còn trong “luân chuyển ngang” thì Đô Lương mới chuyển đổi mang tính chất “hoán vị” giữa lãnh đạo hai xã với nhau liệu như thế có ổn?
 
Công tác quản lý, theo dõi cán bộ luân chuyển cũng cần đặc biệt quan tâm. Qua vụ án hai cán bộ luân chuyển về làm bí thư, chủ tịch một xã ở Thanh Chương phải ra tòa với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” là bài học quản lý cán bộ luân chuyển cho không chỉ huyện này?
 
Để kết thúc bài viết, xin dẫn, lời một cán bộ tổ chức đảng về vấn đề này: “Có ba yếu tố để công tác điều động, luân chuyển cán bộ thành công, đó là: cấp ủy, lãnh đạo nơi đi cần lựa chọn cán bộ phù hợp, có sự theo dõi, đánh giá kết quả qua thực tế công việc; tại nơi đến cần có sự phối hợp, tạo điều kiện, phân công công việc hợp lý để cán bộ nhanh chóng hòa nhập. Và, cuối cùng là bản thân cán bộ được luân chuyển phải nỗ lực vượt khó, không e ngại, né tránh công việc được giao”. 
 
Việt Long