(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh ta có 14 con sông lớn nhỏ, các tuyến chính sông Lam và sông Con có độ dốc lớn, nước chảy xiết gây nguy hiểm cho hoạt động các bến đò. Để đảm bảo an toàn tại bến đò qua sông, các ban, ngành chức năng đã quan tâm vào cuộc xử lý, chấn chỉnh, tuy nhiên hiện nay, các bến đò còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhất là trong mùa mưa bão.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ban ATGT, đến tháng 8/2014, toàn tỉnh có 25 bến đò ngang sông, giảm 11 bến so với năm 2013. Trong đó, huyện Thanh Chương giảm 5 bến, Anh Sơn và Nam Đàn giảm 3 bến/huyện, Đô Lương giảm 2 bến, Tân Kỳ giảm 1 bến. Nguyên nhân giảm bến đò là do các cầu treo như: Cầu Mượu (Đô Lương), cầu Cây Mít (Anh Sơn), cầu phao tự tạo xuất hiện tại Môn Sơn (Con Cuông), Nam Xuân (Nam Đàn), Mai Hùng (Thị xã Hoàng Mai) được xây dựng. Toàn tỉnh hiện có 3 bến đò dọc sông, đó là bến thượng lưu Thủy điện Hủa Na, bến Thủy điện Bản Vẽ và bến Phài Lài dọc tuyến sông Con xuống đầu cầu Đỉnh Sơn (Anh Sơn).
Theo đánh giá của lãnh đạo phòng CSGT đường thủy, các bến đò còn tồn tại nhiều vấn đề. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 46 trường hợp, phạt tại chỗ 40 trường hợp bến và phương tiện với số tiền 64 triệu đồng, bàn giao cho các huyện xử lý, xử phạt 22 triệu đồng. Tại 6 điểm bến Tân Kỳ, Anh Sơn, cầu phao Hoàng Mai, Tương Dương, đò dọc Quế Phong, đoàn đã thu giữ, đình chỉ hàng chục phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật, người lái đò không có chứng chỉ chuyên môn.
Hạ tầng các bến đò cũng là thực trạng đáng báo động trên các tuyến sông hiện nay. Bến đò Lĩnh Sơn - Lạng Sơn và Lĩnh Sơn - Tào Sơn chuyên chở lượng khách qua sông lớn nhất huyện Anh Sơn, trên 400 - 500 lượt khách /ngày. Hiện nay, bến Lĩnh - Lạng bị bỏ hoang. Anh Nguyễn Văn Tùng - chủ đò, buồn bã: “Gần 2 tháng nay, người dân và học sinh ra bến nhiều nhưng đò không hoạt động. Nguyên nhân do đường lên xuống 2 đầu bến thường xuyên xói lở, bị nước cuốn trôi. Nhà đò phải tự đầu tư đào đắp đất, kè đá, cát tại 2 đầu bến cho khách lên xuống (5-7 triệu đồng/lần) nhưng không có hiệu quả nên chấm dứt hợp đồng”. Hiện tại nhà chờ, bảng nội quy niêm yết giá tại 2 đầu bến này bị gãy hỏng. Người dân Lĩnh Sơn xả thải, gạch, đá… đầy đường ra bến. Tại bến đò Lĩnh - Tào, nhà chờ bị người dân chiếm dụng tập kết vật liệu cát, sỏi để buôn bán. Đường ra bến bị cát bồi lắng, trở thành bãi chăn thả trâu, bò của người dân Lĩnh Sơn. Theo tìm hiểu, các nhà chờ tại các bến đò huyện Anh Sơn đã hư hỏng hoặc không đưa vào sử dụng. Đường lên xuống bến mặc dù đã được tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng (290 triệu đồng/bến) nhưng đến nay gần như bị xóa sổ hoặc không phát huy hiệu quả. Tại bến Phuống (Thanh Chương), đường lên xuống bến đò được tạo dựng thủ công, không có bờ kè nên mưa bão động đò bị xói lở, lầy sục, nhà đò phải thay đổi điểm ghé đò thường xuyên.
Mặt khác, công tác tuyên truyền ý thức mặc áo phao khi qua đò của người điều khiển phương tiện và khách qua sông vẫn chưa có chuyển biến. Bến Phuống được xem là bến đò an toàn tự quản nối 4 xã cụm Xuân Lâm với 6 xã vùng Bích Hào của huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, chủ đò và người qua đò luôn chủ quan không mặc áo phao, hoặc mang áo phao chỉ mang tính đối phó. Những chiếc áo phao cứu sinh trên thuyền cũ nát, lâu ngày không sử dụng. Bên cạnh đó, mặc dù không có hệ thống đèn báo tại 2 đầu bến nhưng tại bến đò Phuống còn tình trạng chở khách ban đêm, chở quá tải lên đến 30 - 40 người/chuyến (quy định trọng tải 12 người/chuyến). Đây cũng là thực trạng chung của nhiều bến đò trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ...
Ông Nguyễn Đình Minh - Phó phòng CSGT đường thủy, cho biết: Tại bến đò dọc Thủy điện Hủa Na xuất hiện 100 phương tiện lưu thông chở khách trên sông chưa được đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật, người lái đò không có chứng chỉ chuyên môn. Bến đò dọc Thủy điện Bản Vẽ có 200 phương tiện chở khách, song mới chỉ 1/3 số lượng này có đăng ký, đăng kiểm ATKT. Ngoài ra, các cầu phao tự tạo được xây dựng bằng tre nứa, mét, không đảm bảo an toàn theo luật, rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua sông. Những khó khăn này, trên thực tế chưa hoặc rất khó chấn chỉnh triệt để, kịp thời.
Bên cạnh những khó khăn đó, công tác quản lý bến đò trên địa bàn tỉnh ta cũng đang là bài toán nan giải. Lâu nay, cơ bản các bến đò đều được các địa phương giao trách nhiệm lại cho chủ hợp đồng theo kiểu “tự thu, tự chi”. Lãnh đạo UBND các xã có bến đò chưa triển khai quản lý, cụ thể hóa trách nhiệm cho các ban, hoặc có ban hành chỉ mang tính tạm thời. Cán bộ Công an xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, cho biết: Do không được cụ thể hóa nhiệm vụ nên chúng tôi không nắm được thay đổi trên 2 bến. Hiện 2 bến đò trên địa bàn xã đều được giao khoán trách nhiệm cho 2 xã bên kia sông. Tại bến Phuống - Thanh Chương, hoạt động trên bến đò được giao cho chủ hợp đồng theo cơ chế tự quản lý, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tự hoạch toán... Đáng lưu ý hơn, theo đánh giá của Thanh tra sở GTVT, các huyện, xã chưa nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện Kế hoạch 82/KH-UBND của UBND tỉnh về phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” năm 2014. Hiện nay, các huyện, xã chưa xác định được mục tiêu, nội dung về phong trào nên chưa có huyện nào triển khai thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh về chấn hỉnh, xây dựng bến đò an toàn, kiểu mẫu.
Đảm bảo ATGT đường thủy nội địa luôn được tỉnh ta xác định là vấn đề bức bách trong mùa mưa bão. Để đảm bảo ATGT các bến đò trong mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 3385/QĐ.UBND ngày 22/5 về việc “Tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy mùa du lịch và mùa mưa bão 2014”. Hiện nay, Ban ATGT tỉnh đã triển khai cấp áo phao cứu sinh đợt 1 gồm 569 áo phao và 276 phao tròn cho 6 huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Thị xã Hoàng Mai, Thị xã Thái Hòa để các địa phương chủ động cấp cho các bến đò trước mùa mưa bão năm nay.
Bài, ảnh: Lương Mai