Đô đốc Harry Harris hôm 30/5 phát biểu bàn giao quyền hạn đối với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ sang cho Đô đốc Phil Davidson tại Trân Châu Cảng, Hawaii, trong một buổi lễ đồng thời cũng thông báo đổi tên cơ sở quân sự của Mỹ tại khu vực này thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Harris, người chèo lái bộ chỉ huy quân sự quy mô nhất của Mỹ trong 3 năm qua, đã nhấn mạnh những nội dung mà ông đã nhiều lần nhắc đến trong nhiệm kỳ của mình.
“Triều Tiên vẫn là mối đe dọa cấp bách nhất của chúng ta và một Triều Tiên sở hữu năng lực hạt nhân cùng các tên lửa có thể vươn tới Mỹ là điều không thể chấp nhận”, ông nói.
Tuy nhiên vị đô đốc này nói thêm: “Trung Quốc vẫn là thách thức dài hạn lớn nhất của chúng ta. Nếu không có sự tham gia và can dự có trọng tâm của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, Trung Quốc sẽ hiện thực hóa giấc mộng bá quyền tại châu Á”.
Hiện chưa rõ Harris sẽ đóng vai trò gì trong các cuộc đối thoại với Triều Tiên về khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6. Việc đề bạt bổ nhiệm Harris đã được chuyển tới Thượng viện Mỹ hôm 18/5, trước thời điểm xác nhận dự kiến của ông.
Vị đô đốc này đã được Trump chọn để thế chỗ trống Đại sứ tại Australia, nhưng động thái này được rút lại chỉ vài giờ trước phiên điều trần xác nhận diễn ra hồi tháng 4. Các nguồn tin nói với CNN rằng vào thời điểm đó, động thái trên là ý tưởng của Ngoại trưởng Mike Pompeo, người góp phần đặt nền móng cho một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.
Trong khi Harris luôn tỏ ra hiếu chiến về vấn đề Triều Tiên khi tại nhiệm tại Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, ông cũng đưa ra các cảnh báo về Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh theo đuổi động thái quân sự mạnh mẽ hơn tại Thái Bình Dương và thiết lập sự hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo ở các khu vực mà Mỹ và đồng minh xem là các vùng biển quốc tế.
Harris vẫn phụ trách Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương hồi tuần trước, khi cơ quan này rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018, cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới.
Giới chức Mỹ khẳng định quyết định trên được đưa ra sau khi Bắc Kinh mới đây triển khai các hệ thống tên lửa và lần đầu tiên cho máy bay ném bom đáp xuống một hòn đảo trên Biển Đông.
Tại Hawaii hôm 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Matttis khẳng định: “Chúng ta nên hợp tác với Bắc Kinh khi có thể nhưng trong tư thế sẵn sàng đối đầu với họ khi cần thiết”.
Vị đô đốc kiêm đại sứ trong thời gian tới Harris cũng cảnh báo những người kế nhiệm cần để mắt đến Moskva, cho rằng Nga đang tìm cách sắm vai “kẻ phá hoại” tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các tầm nhìn tự do và đàn áp về trật tự thế giới đang diễn ra tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Harris nói. “Cạnh tranh giữa các siêu cường đang trở lại và tôi tin chúng ta đang tiệm cận một thời điểm biến động trong lịch sử… Tự do và công lý phụ thuộc vào kết quả đó”.