Về tình trạng đồ chơi Trung Quốc độc hại bày bán tràn lan hiện nay, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa (Bộ KHCN) cho biết cơ quan này đã phối hợp kiểm tra thường xuyên nhưng hàng độc hại vẫn nhập lậu theo đường tiểu ngạch.

images1426582_6b_hssha_eeeg.jpg.jpgÔng Trần Quốc Tuấn

Ông Tuấn nói: Đồ chơi trẻ em (ĐCTE) được xếp vào danh mục hàng hóa nhóm 2. Theo quy định, các sản phẩm, hàng hóa này phải đáp ứng quy chuẩn Việt Nam mới được phép lưu thông trên thị trường (gọi tắt là hợp quy). Hiện nay ĐCTE sản xuất trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy, ghi nhãn đầy đủ theo quy định của pháp luật mới được lưu thông trên thị trường. Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải qua kiểm tra nhà nước về chất lượng, nếu đáp ứng yêu cầu mới được cho thông quan.

Thưa ông, hệ thống kiểm soát dày đặc như vậy nhưng vì sao đồ chơi độc hại vẫn bày bán tràn lan?

Trên thị trường hiện nay vẫn có những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được dán tem hợp quy, phần lớn là các sản phẩm nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Việc bắt giữ, xử lý các trường hợp này cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các ngành chức năng chống buôn lậu, hàng giả.

Không phải khi có cảnh báo của châu Âu chúng tôi mới kiểm tra. Việc kiểm tra, cảnh báo là việc làm thường xuyên. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2015, cơ quan kiểm tra chất lượng đã kiểm tra 1.290 lô nhập khẩu, số lượng 157.723.082 sản phẩm và chỉ có 04 lô, số lượng 10.898 sản phẩm không đạt chuẩn, chiếm 0,3% tính theo lô và chiếm  0,007 % tính theo số lượng ĐCTE nhập khẩu không đạt chất lượng. Các lô hàng này đã  bị xử lý tái xuất khỏi thị trường VN.

Năm 2015, qua kiểm tra trên thị trường, Cơ quan kiểm tra Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa các cấp đã tạm dừng lưu thông 316 loại ĐCTE vi phạm nhãn mác, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và tiến hành xử phạt hành chính. Ngoài kiểm tra định kỳ, chúng tôi còn tiến hành kiểm tra đột xuất, lấy mẫu thử nghiệm. Nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì có cảnh báo với người tiêu dùng. Năm qua có nhiều cảnh báo đồ chơi nhiễm độc như thú nhún, quả cầu gai, mèo tôm biết kể chuyện.

Một thực tế là nhiều sản phẩm độc hại vào Việt Nam khá lâu mới bị phát hiện. Phải chăng hệ thống cảnh báo đang bị tê liệt, thưa ông?

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm là việc làm cần thiết và cần phải có các nguồn lực để triển khai thực hiện. Một trong những  khó khăn trong quản lý chất lượng đồ chơi ở Việt Nam là công tác kiểm nghiệm. Chúng ta đang thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh, có khả năng kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm ĐCTE trong quá trình thanh tra, kiểm tra, để phát hiện, sàng lọc  trên cơ sở đó lấy mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm để có kết luận chính xác và xử lý. Các cán bộ thanh tra, kiểm tra hiện nay vẫn phải dựa trên  yếu tố ngoại quan, việc mua mẫu thử nghiệm nhiều khi không hiệu quả, tốn chi phí mua mẫu, thử nghiệm nhưng kết quả thử nghiệm lại không phát hiện vi phạm.

Cảm ơn ông.

Theo Tienphong.vn

TIN LIÊN QUAN