1. Trump sẽ gặp Kim Jong-un trong 3-4 tuần tới
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng cho biết đã giới hạn địa điểm diễn ra cuộc gặp xuống còn 2 nơi, nhưng không tiết lộ cụ thể. Các nguồn tin dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết Singapore đang là lựa chọn hàng đầu cho nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh này.
Người đứng đầu xứ cờ hoa khẳng định mục tiêu của cuộc gặp thượng đỉnh là "phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên, nhưng thừa nhận tình hình rất khó đoán trước. "Tôi sẽ không dự đoán về điều sẽ xảy ra vì thực sự chúng tôi cũng không biết", Trump nhấn mạnh.
2. Thượng đỉnh liên Triều thành công tốt đẹp
“Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên” nêu rõ 2 nhà lãnh đạo chính thức tuyên bố trước 80 triệu người dân hai miền và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên nữa, từ đây một kỷ nguyên hòa bình đã bắt đầu.
Như vậy, sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950 và tạm khép lại 3 năm sau đó bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình chính thức, thì giờ đây tuyên bố mới nhất của lãnh đạo Seoul-Bình Nhưỡng đã mở ra cánh cửa để đặt dấu chấm hết cho tình trạng chiến tranh kéo dài suốt 65 năm qua.
2 bên cũng khẳng định mục tiêu chung là một bán đảo phi hạt nhân, thông qua phi hạt nhân hóa toàn diện. Sự kiện thành công đặt nền móng cho những tin tưởng và kỳ vọng của dư luận thế giới đối với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều trong thời gian tới.
3. G7 ra tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông
Liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh “sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và suy yếu ổn định khu vực cũng như trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, chẳng hạn như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất đai quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự”.
Các Ngoại trưởng G7 kêu gọi “tất cả các bên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện”.
4. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Mỹ
Ngày 23/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sang thăm Mỹ và trở thành vị khách cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Donald Trump kể từ sau khi nhậm chức từ đầu năm 2017.
Chuyến thăm 3 ngày diễn ra trong bối cảnh hai bên có những bất đồng về thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trước đó, Chính phủ Iran đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Tehran và các cường quốc thuộc nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức). Chuyến thăm này có thể coi là một sứ mệnh giải cứu thỏa thuận trên, còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), mà ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi, trừ phi các đồng minh châu Âu sửa chữa "những sai sót khủng khiếp" trong thỏa thuận này vào giữa tháng 5 tới.
Giới quan sát cho rằng, mục đích chuyến thăm Mỹ lần này của ông Macron là cải thiện các mối quan hệ song phương. Tuyên bố của 2 nhà lãnh đạo sau cuộc hội đàm lần này cho thấy Pháp và Mỹ đã có được thỏa hiệp về những vấn đề còn bất đồng giữa hai nước.
5. 4,4 tỷ USD hỗ trợ tái thiết Syria
Dù con số này không được như kỳ vọng, tuy nhiên, đại diện Liên Hợp Quốc cho rằng đây vẫn là một số tiền đáng kể giúp người dân Syria giảm bớt phần nào nỗi thống khổ do chiến tranh.
Đây là hội nghị thường niên lần thứ 3 sau hội nghị tài trợ Syria ở London (Anh) vào năm 2016 và tại Brussels (Bỉ) năm 2017 nhằm giúp Syria khôi phục lại hệ thống điện và nước ở các thành phố bị thiệt hại nặng nề.
85 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia hội nghị cho rằng hỗ trợ tài chính chỉ giải quyết phần nào vấn đề trước mắt. Hội nghị kêu gọi Nga và Iran thuyết phục Syria đàm phán kết thúc cuộc chiến kéo dài đã 8 năm. Cho đến nay, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc đã có 8 vòng đàm phán diễn ra tại Geneva, nhưng không mang lại bất cứ kết quả nào.
Liên Hợp quốc cho biết, hơn 400.000 người đã chết, hơn 5 triệu người phải đi lánh nạn ở nước ngoài và hơn 6 triệu người phải sơ tán vì cuộc xung đột Syria kể từ năm 2011 đến nay. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Syria sẽ cần khoảng 200 tỷ USD để tái thiết đất nước.
6. Đâm xe vào đám đông ở Toronto, Canada
Ít nhất 10 người chết và 15 người bị thương khi một xe tải lao vào những người đi đường ở Toronto, Canada ôm 23/4. Cảnh sát đã bắt giữ tài xế chiếc xe.
Vụ tai nạn xảy ra vào giờ ăn trưa, tại khu vực giao lộ giữa phố Yonge và đại lộ Finch thuộc thành phố Toronto, địa điểm này cách nơi Toronto tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) khoảng 30km. CNN dẫn lời một giới chức Toronto tin rằng đây là “một hành động đã được tính toán trước".