Đình làng Quỳnh Đôi thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu.Xưa làng có tên là Thổ Đôi Trang. Người dân Quỳnh Đôi sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và dệt lụa.

Quỳnh Đôi nổi tiếng là đất văn vật. Tính từ năm 1444 đến năm 1725, Quỳnh Đôi có 707 người đỗ từ đầu xứ đến tam giáp, nhị giáp, tiến sĩ. Đình làng Quỳnh Đôi đã trở thành nơi gặp gỡ của các sỹ phu yêu nước trong phong trào Văn Thân Cần Vương. Từ năm 1925 trở về sau, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lên cao, đình Quỳnh Đôi trở thành nơi tập trung các cuộc đấu tranh, hội họp bí mật của các tổ chức cách mạng như: Tân Việt và Thanh Niên. Những thanh niên yêu nước làng Quỳnh thường tổ chức các hoạt động văn hoá tại đình làng, diễn kịch, tuồng, trò Trưng Trắc, Trưng Nhị, bình thơ để tuyên truyền, cổ động trong quần chúng nhân dân. Tại đình làng đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu trong thời kì 1930-1931. Ngày 20/6/1930, nhân dân Quỳnh Đôi cũng tham gia tích cực trong cuộc biểu tình tại xã Quỳnh Thuận. Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình tối hôm trước đó, Chi bộ Quỳnh Đôi đã tổ chức treo cờ và diễn thuyết tại đình làng để biểu dương lực lượng và cổ vũ khí thế cách mạng. Đội tự vệ đỏ làng Quỳnh hàng đêm tập trung diễn tập tại đình làng để chuẩn bị tinh thần cho các cuộc đấu tranh. Trong các cuộc biểu tình, tiếng trống lệnh được phát ra từ đình làng đã kêu gọi, thúc dục quần chúng nhân dân tập hợp lực lượng tại đình rồi kéo lên phủ huyện đấu tranh, đưa yêu sách đòi quyền lợi. Khi chính quyền Xô Viết ra đời ở các thôn, xã, đình trở thành nơi làm việc của chính quyền xã Bộ Nông. Mọi hoạt động chính trị, xã hội, văn hoá, quân sự, kinh tế đều được quy tụ tại đình làng. Các lớp học chữ quốc ngữ, lớp học văn hoá được tổ chức ngay tại đình làng. Trong Cách mạng tháng 8 năm 1945, đình làng Quỳnh cũng là nơi hội họp, làm việc của Mặt trận Việt Minh. Đình làng Quỳnh Đôi còn là một di tích cách mạng trong thời kỳ Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Năm 1978, đình làng đã được chính quyền địa phương dùng làm nhà truyền thống của xã để phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho con em địa phương. Trong đó, có trưng bày một số tài liệu, hiện vật liên quan đến phong trào cách mạng Quỳnh Đôi.

Với những ý nghĩa đó, đình làng Quỳnh Đôi đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991.

Thanh Hiền (St và gt)