(Baonghean) - Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý khá phổ biến. Tuy nó không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng làm cho người bệnh khó chịu, giảm hoặc mất khả năng lao động, sinh hoạt khó khăn.

Cột sống thắt lưng được cấu tạo bởi một “chuỗi” các đốt sống, xen kẽ với các đĩa đệm. Đĩa đệm là các tổ chức liên kết, đàn hồi, hình thấu kính lồi hai mặt, gồm nhân nhầy, vòng sụn và mâm sụn, do đó làm cho cột sống có 2 đặc tính là vừa có khả năng đứng tựa vững chắc cho cơ thể, vừa có khả năng xoay, chuyển về tất cả các hướng.

Bình thường cột sống có 23 đĩa đệm (5 cổ, 11 lưng, 4 thắt lưng và 3 chuyển đoạn). Nếu do rạn, rách hoặc mất khả năng chun giãn của vòng sợi, nhân nhầy có thể chuyển dịch ra khỏi vị trí bình thường của nó, hình thành thoát vị đĩa đệm, mặt khác hệ thống dây chằng cột sống yếu đi cũng có thể tạo điều kiện cho đĩa đệm thoát vị. Thường chúng ta hay gặp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ở những người gánh vác nặng nhọc,thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ở những người ngồi nhiều như công tác bàn giấy, lái xe…

Điều trị thoát vị đĩa đệm đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, kết hợp nhiều phương pháp và chế độ sinh hoạt tập luyện phù hợp. Điều trị ngoại khoa (mổ xẻ) là rất hữu hạn, không phải thoát vị đĩa đệm nào, người nào cũng mổ được, tai biến có thể xảy ra và khắc phục là rất khó khăn.

Hiện nay, Bệnh viện YHCT Nghệ An áp dụng nhiều tiến bộ khoa học như: Đề tài điều trị thoát vị đĩa đệm bằng bấm kéo nắn (BSCKII Nguyễn Văn Hải- Giám đốc bệnh viện) ; Đề tài kéo giãn cột sống bằng máy ELKEINE (BSCKII Lê Đình Quý - Phó Giám đốc bệnh viện); Đề tài Mãng điện châm ( BSCKII Hồ Duy Xuân- Trưởng khoa Châm cứu), điện từ trường, thuốc giãn cơ, vitamin nhóm B liều cao, thuốc y học cổ truyền, “treo” xà đơn… Nhờ đó, điều trị thoát vị đĩa đệm thu được kết quả rất tốt.

Hồ Duy Xuân