(Baonghean) - Chương trình điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone được tỉnh ta triển khai từ tháng 9/2012. Sau gần 3 năm, chương trình đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực như: giúp người nghiện từ bỏ dần ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ phạm pháp, góp phần đảm bảo ổn định an ninh trật tự xã hội, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu (viêm gan B, viêm gan C…). Tuy nhiên, xung quanh điều trị bằng Mathadone vẫn còn những vấn đề cần bàn.
Nhân rộng cơ sở điều trị
Cơ sở điều trị Methadone đầu tiên của tỉnh ta tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tại Thành phố Vinh. Cho đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 4 cơ sở được thành lập và đi vào hoạt động tại các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, và Trung tâm GDLĐ số 1. Tính đến ngày 30/6/2015, có 936 bệnh nhân được điều trị, đạt 27,53% chỉ tiêu Chính phủ giao.
Qua thời gian điều trị Methadone cho thấy hiệu quả khá ổn. Nhiều bệnh nhân kiên trì, tuân thủ tốt điều trị, uống thuốc Methadone đã từng bước hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý, có thể làm việc, lao động bình thường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Đặc biệt, chương trình Methadone đã giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, hạn chế gia tăng các tội phạm liên quan đến ma túy, buôn bán, sử dụng ma túy, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.
Điển hình như trường hợp của anh D ở xóm 13, xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Sau hơn 2 năm tham gia điều trị Methadone (từ tháng 6/2013), anh D. đã có cuộc sống thoải mái, vui vẻ, khỏe mạnh hơn nhiều. “Trước đây mỗi lần lên cơn, không có ma túy, người tôi lúc nào cũng mệt mỏi, vật vã, khó chịu. Trong khi đó, uống Methadone ngày một lần, tôi không còn cảm giác thèm ma túy nữa, lại còn ăn được, ngủ được” - anh D. chia sẻ. Nhiều người thân trong gia đình anh, bạn bè, hàng xóm xung quanh cũng rất vui mừng vì sau khi điều trị Methadone một thời gian, D. đã thay đổi tâm tính, sống hiền hòa, tiết kiệm, lo làm ăn, không tiêu tốn tiền mua ma túy như lúc còn nghiện ngập.
Theo các bác sỹ, việc sử dụng thuốc Methadone là qua đường uống, không tiêm chích nên giảm được tỷ lệ lây nhiễm HIV do tiêm chích. Phương pháp điều trị này còn mang lại lợi ích về mặt kinh tế vì chi phí rất rẻ, mỗi ngày uống 1 lần. Trong khi đó, nếu dùng ma túy thì người sử dụng phải bỏ ra số tiền rất lớn, có khi cả triệu đồng do phải sử dụng nhiều lần trong ngày. Việc điều trị bằng Methadone không chỉ mang lại lợi ích cho người nghiện, mà còn giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội, hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2015 sẽ triển khai thêm các cơ sở điều trị tại huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Thị xã Thái Hòa, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Con Cuông và Đô Lương.
Bác sỹ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, cho biết: “Thuận lợi của chương trình trong những năm qua là nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và các ngành liên quan. Tại Quyết định số 3401 ngày 22/7/2014 về Phê duyệt kế hoạch điều chỉnh triển khai thực hiện chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020, UBND tỉnh đã tăng đầu tư cho chương trình về kinh phí, theo đó nếu như năm 2014 kinh phí từ ngân sách địa phương dành cho chương trình là 1 tỷ 530 triệu đồng thì năm 2015 con số này là 5 tỷ 641 triệu đồng. Ngoài ra, tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa cũng đã thông qua Đề án đảm bảo tài chính cho hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc các dự án từ Trung ương cắt giảm số lượng thuốc, Sở Y tế cũng trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai mô hình xã hội hóa điều trị Methadone, theo đó thay vì được hỗ trợ 100% chi phí điều trị như hiện nay, bệnh nhân sẽ đóng góp một phần từ 7.000 - 10.000 đồng một lần uống”.
Ngoài việc mở rộng cơ sở điều trị, hướng đến hiệu quả và duy trì số lượng bệnh nhân điều trị, ngành Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở điều trị chuẩn bị thực hiện thủ tục hành chính tiếp nhận bệnh nhân theo Thông tư 12/2015/TT-BYT ngày 28/5/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có hiệu lực từ ngày 1/8, bảo đảm đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn điều trị, giảm thời gian chờ đợi cho người đăng ký tham gia. Trước đây, để được tiếp nhận vào cơ sở điều trị Methadone, bệnh nhân phải làm đơn và có xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã, thị trấn). Quy định này làm nảy sinh một bất cập trong thực tế là một số chính quyền địa phương do chưa nhận thức đúng về điều trị Methadone, coi người nghiện là đối tượng phạm tội nên còn gây khó khăn cho họ khi đến xin xác nhận. Tuy nhiên, theo Thông tư 12, sắp tới người đăng ký tham gia điều trị chỉ cần làm đơn theo mẫu quy định và cơ sở điều trị chịu trách nhiệm xét chọn đối tượng tham gia điều trị. Với quy định này, các đối tượng đăng ký điều trị Methadone được giải quyết nhanh, gọn, chỉ khoảng một tuần là có thể bắt đầu điều trị.
Những trăn trở
Tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh Nghệ An có 7.293 người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Là một trong những tỉnh có số lượng người nghiện ma túy lớn nhất cả nước, nhưng công tác cai nghiện (cả bắt buộc và tự nguyện) tại các trung tâm có chức năng cai nghiện trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2015, các trung tâm này chỉ quản lý và tổ chức cai nghiện cho 1.069 học viên; tạo điều kiện giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng cho 287 học viên và hiện đang quản lý 782 học viên. Như vậy, con số 933 người được điều trị Methadone chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số đối tượng nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ bỏ dở điều trị Methadone của tỉnh còn khá cao. Đến cuối tháng 6/2015, trong số 933 bệnh nhân được điều trị Methadone, đến nay, chỉ còn 690 bệnh nhân tiếp tục duy trì điều trị, chiếm khoảng 74%. Hơn 240 bệnh nhân không còn điều trị do các nguyên nhân: tử vong hoặc mắc các bệnh lý khác không đến điều trị, bỏ địa phương đi làm ăn xa, bị bắt vào các trại giam, tự nguyện xin dừng điều trị và đặc biệt là bỏ điều trị không rõ lý do. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Định, dù chưa có số liệu phân loại chính thức nhưng ước tính có khoảng hơn 100 bệnh nhân tự nguyện xin dừng hoặc bỏ điều trị.
Một trong nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tỉnh ta có địa bàn rộng, địa hình nhiều nơi phức tạp nhưng mới chỉ có 5 cơ sở điều trị Methadone (trong đó có 2 cơ sở ở TP. Vinh) khiến nhiều bệnh nhân tham gia điều trị gặp khó khăn trong việc đi lại. Mặt khác, nhiều bệnh nhân còn nhận thức sai lầm, thiếu quyết tâm trong điều trị. Tuy vậy, theo bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần được cải thiện ở các cơ sở điều trị, đó là chưa tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân; bác sỹ điều trị và tư vấn viên chưa kết nối chặt chẽ, nguyên nhân bỏ điều trị của từng bệnh nhân chưa được tìm hiểu, phân tích rõ; việc tìm kiếm người bỏ điều trị để vận động quay lại điều trị chưa được thực hiện một cách tích cực… Chương trình điều trị Methadone cũng đang đối mặt với khó khăn do một số huyện chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành công an, lao động thương binh - xã hội và y tế về việc giới thiệu, chuyển gửi bệnh nhân.
Tại Quyết định số 3401 về Phê duyệt kế hoạch điều chỉnh triển khai thực hiện chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là tỉnh ta trên 40% số người nghiện ma túy dạng thuốc phiện có hồ sơ kiểm soát tại 100% huyện, thị xã, thành phố được tham gia chương trình Methadone. Để đạt mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động để người nghiện ma túy nhận thức được hiệu quả của việc cai nghiện bằng điều trị Methadone, từ đó tự nguyện tham gia và tuân thủ nghiêm túc quá trình điều trị.
Trong quá trình điều trị, người thầy thuốc ngoài thực hiện công tác chuyên môn cần tạo mối liên kết gắn bó với bệnh nhân thông qua trò chuyện tư vấn để có những hỗ trợ kịp thời, động viên bệnh nhân duy trì điều trị. Trong tư vấn, thầy thuốc và tư vấn viên cần giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu rõ điều trị Methadone phải thực hiện lâu dài và gần như suốt đời, để tránh trường hợp sau một thời gian điều trị, thấy không còn thèm heroin, người nhà của một số bệnh nhân và chính bản thân họ tưởng đã cai nghiện thành công, lại bỏ dở điều trị cho đỡ tốn kém chi phí, công sức đi lại mà không biết rằng, điều trị Methadone phải thực hiện lâu dài và gần như suốt đời. Hơn nữa, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cùng cần nghiên cứu việc kết hợp chương trình điều trị với dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm phù hợp, lâu dài cho bệnh nhân, giúp họ ổn định tư tưởng, dự phòng tái nghiện ma túy. Từ đó, chương trình điều trị Methadone mới có thể mang lại hiệu quả cao, có tính bền vững hơn.
Minh Quân