(Baonghean.vn) - Chính phủ các nước trên thế giới đã bắt tay điều tra về sai phạm tài chính của những người có tên trong danh sách rò rỉ chứng từ thuế của hãng luật Mossack Fonseca liên quan đến khoảng 140 chính khách, trong đó bao gồm 12 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, nổi tiếng có thể kể đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh David Cameron.
Các tài liệu bị rò rỉ có thể được coi là bằng chứng về việc trốn thuế, rửa tiền, xử phạt, giao dịch ma túy và các tội phạm khác.
Công ty luật, Mossack Fonseca đã phủ nhận hành vi làm rò rỉ thông tin và cho mình cũng là nạn nhân của một chiến dịch chống lại sự riêng tư.
Công ty này đã phải tuyên bố trên trang web chính thức của mình vào hôm thứ hai 4/4 rằng các phương tiện truyền thông đã "bóp méo tính chất công việc của mình."
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bước đầu đã xác định xem có bằng chứng về việc tham nhũng và các vi phạm khác theo pháp luật Hoa Kỳ hay không.
Các công tố viên tài chính tại Pháp cũng công bố việc mở một cuộc điều tra sơ bộ về gian lận thuế đang diễn ra ngày càng trầm trọng tại quốc gia này.
Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Đức cũng cho biết cơ quan giám sát thị trường tài chính Bafin đang xem xét vấn đề này và sẽ sớm có báo cáo nhanh để trình Bộ.
Úc, Áo, Thụy Điển và Hà Lan đã bắt đầu điều tra các cáo buộc dựa vào hơn 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ ngày hôm qua. Ngân hàng tại các quốc gia này đang phải chịu sự chú ý nặng nề của truyền thông về các cáo buộc đã giúp khách hàng che giấu sự giàu có của họ ở nước ngoài.
Ở Argentina, đảng đối lập đã yêu cầu một lời giải thích từ phía Tổng thống Mauricio Macri vì ông từng là giám đốc của một công ty nước ngoài ở Bahamas liên quan đến hoạt động kinh doanh của người cha giàu có trong quá khứ.
Tại Brazil, nơi một cuộc khủng hoảng tham nhũng đang đe dọa chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff, tờ báo O Estado de S.Paulo cho biết các chính trị gia từ 7 đảng cũng là khách hàng của hãng luật Mossack Fonseca và nhấn mạnh rằng các chính khách thuộc đảng Lao Động của Rousseff không dính líu đến nghi án trên.
Cơ quan thuế của Brazil cho biết sẽ xác minh thông tin về việc trốn thuế và có thể áp đặt mức tiền phạt về khối tài sản chưa được khai báo tại nước ngoài lên đến 150% giá trị tài sản đó.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cam kết sẽ công khai minh bạch tình hình tài chính của mình sau khi các nhà lập pháp kêu gọi một cuộc điều tra về việc ông Poroshenko đã sử dụng một công ty nước ngoài chuyên kinh doanh bánh kẹo để tránh thuế.
Thủ tướng Iceland, Sigmundur Gunnlaugsson, đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ông từ chức sau khi ICIJ cho biết ông và vợ của mình đã bí mật mở một công ty ở nước ngoài để trốn thuế.
Tờ Guardian của Anh cho biết các tài liệu rò rỉ cho thấy một khoản vay trị giá 2 tỷ USD liên quan đến Tổng thống Putin và người bạn Sergei Roldugin. Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Putin bác bỏ những cáo buộc đó và coi đó là hoàn toàn bịa đặt.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD mới đây đã cảnh báo các bộ trưởng tài chính của nhóm G20 về một cam kết chia sẻ thông tin về tài khoản của các chính phủ với nhau.
Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho biết "Hậu quả của vụ việc “Panama Paper” sẽ dẫn đến yêu cầu về các tiêu chuẩn minh bạch quốc tế đầy đủ về thuế hiện nay".
Thanh Hiền
(Theo Reuters)